Sáng nay, 24-10, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã thông tin với báo chí về vụ việc 600 học viên đập phá Trung tâm Cai nghiện tỉnh Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) vào đêm 23-10.
Ông cho biết nguyên nhân vụ việc có thể do tâm lý học viên “bức xúc, lo lắng”, trong khi việc tuyên truyền, giải thích cho các học viên “chưa đến nơi đến chốn, phối hợp với gia đình học viên chưa tốt”.
Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi ngắn của báo Pháp Luật TP.HCMvà ông Dung:
. Phóng viên: Xin ông cho biết nhận định về vụ việc gần 600 học viên đã đập phá Trung tâm Cai nghiện tỉnh Đồng Nai, tràn ra QL1 gây náo loạn trong đêm 23-10?
+ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Theo địa phương báo cáo, đến thời điểm này đã có 332 học viên quay trở lại trung tâm, còn 230 trường hợp nữa đang phối hợp với chính quyền, vận động gia đình để các em quay trở lại.
Cái chính ở đây là các em có sử dụng ma túy, ngáo đá… vì vậy chính quyền, công an, các lực lượng công an đưa các em vào trung tâm, với mục đích chính là nhân đạo, đưa vào để điều trị.
Đúng ra sau thời gian này bắt đầu xem xét phân loại, em nào không có gia đình thì xem xét, đưa ra tòa và cho đi cai nghiện bắt buộc. Các em có gia đình chủ yếu là vận động theo hướng cai nghiện cộng đồng. Nhưng còn cách hiểu khác nhau, cũng có thể do giải thích của cán bộ nhân viên chưa đến nơi đến chốn gây ra tâm lý bức xúc trong các em.
Việc nay Bộ đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương rút kinh nghiệm từ lần ở Vũng Tàu, Hải Phòng. Nhưng rõ ràng tuyên truyền vận động chưa đến nơi đến chốn, động tác giải trình, tuyên truyền cho các em, phối hợp với gia đình chưa tốt.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời báo chí về vụ náo loạn trại cai nghiện Đồng Nai vào sáng cùng ngày 24-10
Vấn đề quan trọng nhất chúng ta kiểm soát được tình hình, không để xảy ra vấn đề lớn về an ninh trật tự; không xảy ra thương tật, thương tích. Thiệt hại chính là tài sản ở trong cơ sở cai nghiện bị hỏng.
Bây giờ giải pháp quan trọng nhất là kiểm soát được tình hình. Thực hiện các quy trình theo đúng quy định của pháp luật về vận động, giáo dục tuyên truyền và xử lý các em cai nghiện.
. Thưa ông, nguyên nhân vụ việc này xác định như thế nào?
+ Quy định là đối với những em nghiện có gia đình trên địa bàn thì chủ yếu cai nghiện ở cộng đồng.
Tuy nhiên, có nhiều em nghiện, ngáo đá nếu để ở cộng đồng sẽ rất phức tạp nên cơ quan chức năng vận động tìm cách đưa các em vào cơ sở này. Một phần do tuyên truyền giải thích chưa rõ. Mặt khác, khi vào đây các em nảy sinh tâm lý sợ mình phải ra tòa sẽ có tội nên sợ.
. Trong vụ việc này có phát hiện đối tượng cầm đầu, kích động không hay do cơ sở quá tải?
+ Hiện không xác định có cầm đầu, tâm lý chung cũng như vụ ở Bà Rịa-Vũng Tàu là do bức xúc dẫn đến hành động bột phát.
Lý do quá tải cũng có nhưng không có chuyện vì vật chất khó khăn mà các em ra khỏi cơ sở cai nghiện. Lý do chính vẫn là do sốt ruột và chưa được giải thích, tuyên truyền đến nơi đến chốn, nảy sinh tâm lý sợ có tội nên các em mới bỏ trung tâm.