Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Chúng ta test virus, virus test hệ thống chúng ta'

Sáng 11-11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Mở đầu, ông Sơn nói COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Học trực tuyến không thể thay học trực tiếp

“Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất rất nhiều khó khăn thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực, học sinh căng thẳng mệt mỏi; thầy cô cực nhọc và áp lực; phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng... những chuyện bi hài, cả những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể xiết”- Bộ trưởng Sơn thừa nhận.

Tuy vậy, ông Sơn cho rằng: tinh thần “ngừng tới lớp không ngừng học tập” đã giúp ngành chuyển trạng thái, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần xác lập, kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần phục hồi... Còn ngành giáo dục lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn thách thức vẫn còn nguyên và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước.

Tác động của dịch bệnh có những điều nhìn thấy ngay và đã thấy, nhưng cũng có những điều còn ảnh hưởng lâu dài chưa đo đếm được, đặc biệt là những chỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, cảm xúc... của học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói trong đại dịch ngành giáo dục giữ tinh thần "ngừng tới lớp nhưng không ngừng học tập. Ảnh: QK

Các ĐB Nàng Xô Vi (Kon Tum), Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu), Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) là lượt đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Sơn về việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng dạy và học theo hình thức đọc chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc; Giải pháp chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến trong mùa dịch; bảo đảm sức khỏe, tâm lý cho học sinh, giáo viên, chất lượng dạy và học do tác động của dịch bệnh... 

Bộ trưởng Sơn nói: "Chúng ta test để tìm virus, nhưng virus cũng test lại cả hệ thống của chúng ta". Trong thời gian qua, Bộ đã hết sức cố gắng, tận tình, trách nhiệm, tuy nhiên qua dịch bệnh vẫn nhìn thấy một số điều chắc chắn phải điều chỉnh.

Theo Bộ trưởng, về thể chế, khi áp dụng, vận hành ứng phó, nhiều văn bản, chính sách bộc lộ khiếm khuyết. Bình thường, những vấn đề này có thể vẫn tồn tại nhưng chưa đến mức gay gắt. Giai đoạn dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng lớn hơn.

Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng nhìn nhận Bộ đã làm tốt việc ban hành văn bản, nhưng cần hoàn thiện hơn nữa khả năng ứng phó với trạng thái khẩn cấp bằng nghiệp vụ, hiểu biết, tinh thần của ngành. Theo đó, chính sách hỗ trợ, văn bản hướng dẫn thời gian tới cần thực tế hơn.

"Dịch bệnh cho thấy kỹ năng của đội ngũ quản lý, kỹ năng của nhà giáo, kỹ năng của học sinh, đặc biệt là vấn đề tự học, phải tăng cường rất nhiều", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Về dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Sơn nói việc này ảnh hưởng tới các kỹ năng mà chỉ có học trực tiếp mới có tác dụng. “Dạy học trực tuyến khó có thể thay thế được dạy học trực tiếp. Nếu học sinh quay lại trường thì ngoài củng cố kiến thức đã được trang bị thì phải tăng cường kỹ năng. Cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc này”, Bộ trưởng nói.

Học sinh đã mua sách giáo khoa sai, Bộ có phần trách nhiệm

Về vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng Sơn cho hay: dư luận có nêu ý kiến về một số bài trong sách giáo khoa thì Hội đồng chuyên môn, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với tác giả và điều chỉnh nội dung, trước khi in sách. “Về lâu dài, Bộ tiến hành cải tiến quy trình bảo đảm chất lượng SGK cao hơn”, Bộ trưởng Sơn cho hay.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) sau đó tranh luận cho rằng trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục.

Bà nói, sách giáo khoa sai thì học sinh đã mua, đã học và dư luận đang trông chờ sự giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của bộ. Theo bà tập thể tác giả và NXB Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.

Bộ GD&ĐT là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa, trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập. Trách nhiệm thứ hai thuộc về cơ quan tham mưu của Bộ. Thứ ba, là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: QH

"Dù việc phê duyệt sách giáo khoa là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước là xuyên suốt. Lãnh đạo Bộ cần chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả sách giáo khoa nói trên giải trình trước công luận. Nếu có sai sót thì lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo sữa chữa, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền", bà Thúy nói.

Bộ trưởng Sơn ghi nhận, tiếp thu ý kiến của ĐB Thúy và cho hay sẽ có chỉ đạo phù hợp.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cũng tranh luận về vấn đề này và sau đó chất vấn: "Theo Bộ trưởng, có cần quy trình bất di bất dịch trong việc quyết định sử dụng những bộ sách giáo khoa trong tương lai: không rút ngắn, thay đổi vì bất cứ nguyên nhân gì. Bộ trưởng đã có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai sách giáo khoa mới trong thời gian vừa qua hay chưa?".

Bộ trưởng Sơn giải trình: sách giáo khoa bây giờ được xem là học liệu, là căn cứ để xã hội hóa, triển khai có nhiều bộ khác nhau. Quan điểm của Bộ là bất cứ tài liệu nào dù là học liệu mà được đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng phải đạt chuẩn mực, tính khoa học, sư phạm.

“Chủ trương của Bộ là cố gắng có những sản phẩm giáo khoa tốt nhất", Bộ trưởng Sơn nói và cho rằng: “Ý kiến của đại biểu Lân Hiếu rất quan trọng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới