Bộ trưởng Y tế: Lắng nghe thực tiễn, dần tháo gỡ khó khăn

(PLO)- Năm 2023, ngành y tế tiếp tục hoàn thiện bộ máy bảo đảm tinh gọn, giảm thủ tục hành chính, tập trung chuyển đổi số, triển khai nhiều giải pháp phát triển y tế cơ sở.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác y tế năm 2023 và triển khai công tác y tế năm 2024. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, năm 2023 tình hình thế giới có nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, ngành y tế vẫn nỗ lực đạt được không ít thành tựu nổi bật.

Nhiều vướng mắc được giải quyết

Báo cáo tổng kết của ngành y tế năm 2023 cho thấy ngành đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao. Đó là chỉ tiêu về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ), số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh) và về tỉ lệ dân số tham gia BHYT (93,2%).

Ngành y tế 2023 có nhiều điểm sáng
Ngành y tế 2023 có nhiều điểm sáng. Trong ảnh: Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Nội thận - Lọc máu BV Thống Nhất TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đồng thời, ngành hoàn thành và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể về ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao. Cụ thể là chỉ tiêu về tỉ lệ dân số được quản lý sức khỏe, tỉ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế, số dược sĩ ĐH/vạn dân, số điều dưỡng/vạn dân, tỉ suất tử vong của trẻ em dưới một tuổi và tỉ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi…

“Sau đại dịch COVID-19, hoạt động khám chữa bệnh thông thường phục hồi, dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, nhiều cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ” - bà Lan nhấn mạnh.

Tính từ năm 2021 đến nay, Bộ Y tế xếp thứ nhất trong số 18 bộ, ngành về cắt giảm thủ tục hành chính.

Cũng theo bà Lan, công tác chỉ đạo, điều hành của ngành y tế năm qua đã được thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách. Song song đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút nhân lực chất lượng cao.

“Ngành y tế cũng tăng cường lắng nghe thực tiễn để tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh, chế độ chính sách. Bên cạnh đó, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vaccine, BHYT…” - bà Lan nói.

Các giải pháp bứt phá trong 2024

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Y tế tập trung triển khai các biện pháp đổi mới cơ chế tài chính y tế, nghiên cứu đề xuất chính sách đãi ngộ cho cán bộ ngành y tế trong tổng thể cải cách tiền lương, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2024, Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại; hoàn thiện việc mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực khi đưa vào sử dụng hai bệnh viện lớn là Việt Đức và Bạch Mai Cơ sở 2 ở Hà Nam. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho các cơ sở y tế tiếp cận các nguồn vốn, vay thương mại để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.

w-P13_yte2.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao cờ thi đua của Chính phủ tặng các BV Chợ Rẫy, Thống Nhất và Răng Hàm Mặt Trung ương. Ảnh: Bộ Y tế

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, năm 2024 ngành y tế vẫn phải đối mặt với các thách thức do gánh nặng bệnh tật kép, sự gia tăng tỉ trọng các bệnh không lây nhiễm. Song song đó là tình trạng già hóa dân số, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, các hành vi lối sống bất lợi cho sức khỏe gia tăng.

Từ đó, Bộ Y tế hướng đến nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện. Trước hết là hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp theo là triển khai chiến lược, quy hoạch phát triển và tổ chức bộ máy y tế; cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Về công tác cung ứng dịch vụ y tế, ngành y tế sẽ đẩy mạnh giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân vùng khó khăn, xây dựng các tiêu chí đánh giá, công bố chất lượng của các cơ sở y tế.

10 sự kiện nổi bật của ngành y tế năm 2023

1. Ban Bí thư, Quốc hội ban hành các chỉ thị, nghị quyết tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

2. Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

3. Bộ Y tế tham mưu, xây dựng nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế và vaccine.

4. Tháo gỡ cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

5. UNESCO vinh danh đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

6. COVID-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, ghi nhận sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch.

7. Cải cách hành chính và chuyển đổi số mạnh mẽ.

8. Nhiều đột phá trong phẫu thuật, điều trị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.

9. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.

10. Hoạt động đối ngoại của ngành y tế được đẩy mạnh.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm