Tại diễn đàn người lao động (NLĐ) năm 2023 do Văn phòng Quốc hội và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức vào chiều 28-7, anh Nguyễn Văn Trung, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho rằng đội ngũ cán bộ dân số làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đang thiệt thòi khi nghị định 05/2023 không có đối tượng này được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.
Theo anh Trung, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng là biên chế của ngành y tế. Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, tất cả nhân viên ngành y, trong đó có cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã không quản hiểm nguy tham gia lấy mẫu bệnh phẩm, tăng cường hỗ trợ tại các ổ dịch, tham gia tại cơ sở điều trị COVID-19.
“Không hiểu sao nghị định 05 của Chính phủ lại bỏ quên họ”- anh Trung đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời câu hỏi của công nhân. Ảnh: ĐỨC MINH |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đối với phụ cấp ưu đãi nghề, ngành y có sáu loại, tùy thuộc vào ngành nghề người lao động đang làm, từ mức 20, 30, 40, 50, 60, 70%. Trong đó, mức 70% là cao nhất, ưu tiên cho người thường xuyên, trực tiếp làm trong các công việc nặng nhọc như chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân HIV, phong, lao, giám định pháp y…
Khi Nhà nước thực hiện chế độ cải cách tiền lương theo quy định, không có chế độ điều chỉnh phụ cấp theo lương. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 và một số dịch bệnh mới xuất hiện, Bộ Chính trị có kết luận 25, trong đó ưu tiên cho những đối tượng đang hưởng mức phụ cấp 70% thì sẽ được nâng lên là 100%, với thời gian hưởng là hai năm 2022-2023. Còn lại, các đối tượng khác vẫn hưởng theo mức quy định.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã nhận được phản ánh về vấn đề cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình không được tăng phụ cấp từ 30% lên 100%. Vì việc nâng lên mức phụ cấp 100% chỉ ưu tiên cho những ngành được Bộ Chính trị cho phép, đó là những người làm trực tiếp, thường xuyên trong điều kiện chuyên biệt. “Đây là quyết định của Bộ Chính trị để giữ chân cán bộ...”- bà Lan nói.
Để giải quyết các kiến nghị của cán bộ dân số, Bộ Y tế đã báo cáo cơ quan chức năng. Hiện Chính phủ đang giao cho các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất liên quan đến cải cách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế.
“Hi vọng các vấn đề liên quan đến chế độ tiền lương nhân viên y tế sẽ được quan tâm, điều chỉnh phù hợp…”- bà Lan cho hay.
Như PLO đưa tin, Nghị định 05/2023 sửa đổi, bổ sung nghị định 56/2011 về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở công lập, trong đó bổ sung phụ cấp ưu đãi nghề cho một số cán bộ y tế làm ở các cơ sở có mức phụ cấp ưu đãi nghề từ mức 40 – 70% lên mức 100%.
Tuy nhiên, nghị định mới đã “loại” đội ngũ cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình ra khỏi danh sách hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, mà theo nghị định 56/2011 họ vẫn được hưởng phụ cấp 30%.
Nhiều cán bộ dân số phường, xã ở Nghệ An, Gia Lai... phản ánh họ cảm thấy tủi thân khi không được thụ hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 05.
Một số viên chức y tế phụ trách công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở Nghệ An đã viết “tâm thư” gửi cơ quan chức năng. Sở Y tế tỉnh Nghệ An có công văn kiến nghị lên Bộ Y tế về vấn đề này.
Chiều 28-7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chính thức phát động giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc - National Worker's Football Championship - do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Tuổi Trẻ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp tổ chức.
Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc được tổ chức nhằm khích lệ tinh thần, động viên công nhân, viên chức, lao động tham gia rèn luyện thân thể, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, sản xuất; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.