Tại diễn đàn người lao động (NLĐ) năm 2023 do Văn phòng Quốc hội và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức vào chiều 28-7, nhiều công nhân bày tỏ bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kết dư lớn nhưng mức chi nhỏ…
NLĐ đề nghị mở rộng quyền hưởng quỹ bảo hiểm
Anh Đặng Hồng Thêm, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La, cho rằng hiện quỹ BHTN đang kết dư gần 60.000 tỉ đồng, tuy nhiên chế độ trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ thấp. Cạnh đó, việc sử dụng quỹ cho đào tạo, đào tạo lại NLĐ còn hạn chế.
Anh Thêm đề nghị cần sửa Luật BHXH theo hướng giảm mức đóng BHTN cho NLĐ, tăng quyền lợi cho người hưởng như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề. Đặc biệt, cần có chính sách nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ NLĐ bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ quỹ.
Anh Nguyễn Đức Đại, công nhân Công ty Than Mạo Khê. Ảnh: ĐỨC MINH |
Cho rằng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đang kết dư khoảng 65.000 tỉ đồng, nhưng chi mỗi năm 1.000 tỉ đồng, anh Nguyễn Đức Đại, công nhân Công ty Than Mạo Khê, cho rằng chi như vậy là nhỏ. Trong khi NLĐ rất cần được chăm sóc sức khỏe như điều dưỡng, phục hồi chức năng khi gặp bệnh và suy giảm sức khỏe.
Trên cơ sở đó, anh Đại đề nghị sớm sửa đổi Luật An toàn, vệ sinh lao động để bổ sung các nội dung nêu trên vào luật.
Cùng vấn đề BHXH, chị Lê Thị Hà, Công ty may Minh Anh, tỉnh Nghệ An, bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng nợ BHXH của nhiều doanh nghiệp khiến cho hàng trăm nghìn NLĐ lao đao, có gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Nhiều nữ công nhân sinh nở không được hưởng tiền thai sản, “có bạn công nhân con đã 8 tuổi mẹ vẫn không được hưởng chế độ gì”.
Đặc biệt, có người nghỉ hưu 7-8 năm mà vẫn chưa được cầm sổ hưu, “có bác về vợ nghi ngờ hay là gửi lương hưu cho người khác rồi”. Đó cũng là lý do mà nhiều người mất niềm tin, muốn rút BHXH một lần để lo cho cuộc sống trước mắt. “Chả lẽ tất cả chúng ta lại bó tay bất lực trước tình trạng này”- chị Hà đặt câu hỏi.
Cùng vấn đề, chị Lương Thị Tho, công nhân xí nghiệp Quản lý và xử lý chất thải Đình Vũ, TP Hải Phòng, cho rằng rất lo lắng, bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật BHXH cần có các quy định định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.
Cạnh đó, quá trình sửa Luật BHXH cũng cần cơ chế phòng ngừa và giải quyết quyền lợi của NLĐ khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn; có cơ chế tín dụng ưu đãi hỗ trợ NLĐ khi gặp khó khăn để NLĐ không phải chọn rút BHXH một lần.
Quỹ BHTN “không còn nhiều đâu”
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết trước dịch COVID-19 quỹ BHTN kết dư 100.000 tỉ đồng, những đã dùng hỗ trợ cho NLĐ 41.000 tỉ. Như vậy, quỹ hiện còn “dư ở mức độ an toàn thôi, không còn nhiều đâu”.
Về vấn đề sửa Luật BHXH, ông Đào Ngọc Dung, cho biết ngày 12-8, Ủy ban xã hội của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm định. Trước đó, Chính phủ đã họp cho ý kiến về dự án luật này, với tinh thần chung tập trung chỉnh sửa những vấn đề bất cập theo hướng phát triển BHXH linh hoạt, hiện đại, đa tầng, tăng quyền lợi cho NLĐ, chứ không hạn chế quyền lợi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời kiến nghị của người lao động. Ảnh: ĐỨC MINH |
Theo hướng đó, Bộ trưởng cho rằng dự luật tập trung 5 nhóm giải pháp chính và 12 nội dung theo tinh thần của Nghị quyết 28. Cụ thể ở đây là xây dựng BHXH đa tầng thông qua việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội.
Về rút BHXH một lần, ông Dung nói sẽ có nhiều phương án khác nhau, có thể đảm bảo cho NLĐ không cần rút BHXH một lần nhưng có chính sách khác bù đỡ cho nhu cầu của NLĐ. “Theo đó, khi cần khoản tiền, NLĐ sẽ không cần rút BHXH, mà có chính sách hỗ trợ khác”- ông Dung nói.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH cũng cho biết dự luật cũng đang đề xuất nhiều biện pháp hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHXH theo hướng “các nước áp dụng gì thì Việt Nam sẽ làm nấy”, với mục đích hài hoà nhất, đảm bảo khắc phục nợ đọng.
Chia sẻ với công nhân về quỹ BHXH, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nói đây cũng là vấn đề trăn trở của ngành. Các cấp ngành đã nỗ lực đòi nợ để giảm từ 6% năm 2016 trên tổng số tiền phải thu xuống còn 2,9% năm 2021. Hiện các địa phương đều đã có bộ phận thu nợ BHXH. Cơ quan này tăng thanh kiểm tra, nhận diện các đơn vị chậm, nợ kéo dài để hạn chế tình trạng chậm, trốn, nợ đọng.
Tới đây sửa luật BHXH cần có biện pháp mạnh với doanh nghiệp trốn, nợ BHXH. “Chẳng hạn như cấm xuất cảnh, ngừng sử dụng hóa đơn với chủ sử dụng lao động” ông Mạnh kiến nghị và rằng trước mắt NLĐ có thể kiểm tra tình trạng chậm, đóng nếu có trong ứng dụng VssID.
Một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói diễn đàn NLĐ năm 2023 là diễn đàn đặc biệt khi lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng - nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội coi diễn đàn hôm nay "là một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt", để được lắng nghe nhiều ý kiến của công nhân, viên chức, lao động - đại diện hơn 50 triệu lao động, lực lượng lao động trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian, tại diễn đàn này tập trung vào pháp luật liên quan trực tiếp NLĐ và tổ chức công đoàn. ĐỨC MINH