Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã

(PLO)- Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tư pháp đề xuất mở rộng thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã với giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Theo tờ trình, tại Quyết định 1015 ngày 30-8-2022, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015 (cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính) để thực thi phương án phân cấp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).

thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã
Người dân đến làm thủ tục công chứng, chứng thực tại văn phòng công chứng tại TP.HCM. Ảnh: QL

Yêu cầu của Thủ tướng là sửa đổi theo hướng bổ sung thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Cụ thể là được chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận; thực hiện trong giai đoạn 2022-2023.

Hiện nay, Điều 5 Nghị định 23/2015 quy định UBND cấp xã “chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận”. Phòng Tư pháp cấp huyện, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức hành nghề công chứng “chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận”.

Từ đó, Bộ Tư pháp cho rằng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC có thể lựa chọn yêu cầu chứng thực tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thuận tiện nhất, thì việc bổ sung thêm thẩm quyền chứng thực cho UBND cấp xã (tương tự thẩm quyền của Phòng Tư pháp cấp huyện đang thực hiện) như yêu cầu của Thủ tướng là phù hợp.

Nội dung sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung thẩm quyền cho UBND cấp xã đã được đưa vào dự thảo Nghị định.

Ngoài ra, liên quan đến việc chứng thực hợp đồng, giao dịch, dự thảo Nghị định đã thực hiện sửa đổi khoản 1 Điều 36: Quy định việc người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch có thể xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản tích hợp trên ứng dụng định danh quốc gia thay cho việc nộp bản sao Giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Thẻ căn cước hoặc Hộ chiếu/giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

Theo Bộ Tư pháp, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức được đưa vào vận hành và triển khai trên toàn quốc, các cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm tra thông tin nhân thân của người yêu cầu chứng thực trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu chứng thực, cơ quan chứng thực cần thiết kiểm tra đặc điểm nhận dạng của người yêu cầu để khẳng định đúng chủ thể tham gia hợp đồng, giao dịch.

Do đó, để phù hợp tinh thần Nghị quyết 58/NQ-CP, đồng thời đảm bảo yêu cầu kiểm tra nhận dạng, tư cách chủ thể yêu cầu chứng thực, việc sửa đổi Nghị định số 23/2015/NĐ-CP theo hướng quy định xuất trình (thay cho nộp bản sao) giấy tờ tuỳ thân khi yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch là cần thiết và phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm