Từ ‘kỷ niệm’ sổ hộ khẩu đến ‘căn cước điện tử’

(PLO)- Từ việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu giấy đến quản lý bằng hộ khẩu điện tử, chúng ta đã có thêm bước tiến mới trong việc cho phép người dân sử dụng căn cước điện tử, tích hợp thông tin nhiều loại giấy tờ khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (1-7), Luật Căn cước 2023 chính thức có hiệu lực, mở ra một chương mới trong công cuộc hiện đại hóa quản lý dân cư và tiến đến xã hội số.

Bên cạnh một số thay đổi in trên mặt thẻ (bỏ in vân tay, đặc điểm nhân dạng, đưa vào dữ liệu chip...) thì Luật Căn cước 2023 có nhiều quy định mới nổi bật như việc cấp căn cước điện tử; quy định tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp.

Theo đó, mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử, cùng với việc cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2, có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước còn hiệu lực trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

căn cước điện tử
Cán bộ công an Phòng PC06, Công an TP.HCM đang lấy mống mắt để cập nhật dữ liệu căn cước của công dân. Ảnh: Nguyễn Hiền

Luật mới cũng quy định khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, công dân có quyền đề nghị tích hợp các thông tin vào thẻ căn cước gồm “thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp”.

Đồng thời, “việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác”.

Như vậy, với quy định trên, khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác có liên quan đến việc phải cung cấp căn cước; hoặc các thông tin, bản chính các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế… người dân không cần phải mang theo các giấy tờ này mà chỉ cần mang duy nhất thẻ căn cước hoặc cung cấp căn cước điện tử.

Nhìn rộng ra thế giới có thể thấy, nhiều quốc gia tiên tiến họ đã có những bước dài trong việc chuẩn bị và triển khai hoạt động số hoá, điện tử hoá công tác quản lý hành chính Nhà nước đối với công dân. Trong đó, quan trọng nhất là nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, được xây dựng và quản lý chặt chẽ.

Từ lâu, các nước như Singapore, Thụy Điển đã triển khai thành công hệ thống quản lý công dân số, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và Chính phủ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, trong một thời gian dài, chúng ta đã phải loay hoay với công tác quản lý dân cư, thực hiện cung cấp các hoạt động dịch vụ công theo phương thức truyền thống là người dân có nhu cầu phải đến trực tiếp cơ quan hành chính Nhà nước, mang theo các giấy tờ tồn tại dưới dạng bản giấy (bản vật lý) để cán bộ, công việc chức thực hiện các thủ tục, từ đăng ký khai sinh, khai tử, cho đến cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, thủ tục nhận bảo hiểm, lương hưu…

Việc này không chỉ gây khó khăn, phiền hà cho người dân, đặc biệt là khi các giấy tờ bị thất lạc, rách, nát, hư hỏng, mà còn làm giảm hiệu suất làm việc của cán bộ, công viên chức khi mọi việc vẫn phải thực hiện một cách thủ công, ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ trong hoạt động cung cấp dịch vụ công còn nhiều hạn chế, từ đó mà bộ máy hành chính phình to, cồng kềnh, hiệu suất hoạt động không cao.

Tuy nhiên, kể từ khi Nhà nước đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính thì nhiều “cánh cửa” đã được mở ra.

Điển hình là sự ra đời của Cổng thông tin điện tử chính phủ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đã giảm thiểu rất nhiều những khó khăn, phiền hà gây ra cho người dân. Bất kỳ công dân nào cũng có thể ngồi tại nhà tạo tài khoản điện tử và tiến hành thao tác trên Cổng thông tin để được cung cấp dịch vụ. Kết quả được trả đến tận nhà mà không phải trực tiếp đi đến cơ quan nhà nước để thực hiện.

Hiện nay xu hướng quản lý số đang dần thay thế phương thức quản lý truyền thống với tốc độ nhanh chóng mặt. Nếu như trước đây không ai không biết đến sổ hộ khẩu thì giờ đây sổ hộ khẩu chỉ còn là “kỷ niệm”.

Thừa thắng xông lên, Luật Căn cước cho phép sử dụng căn cước điện tử (có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử); cho phép tích hợp nhiều thông tin trên thẻ căn cước sẽ là tiền đề quan trọng, không chỉ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, mà còn giúp Việt Nam theo kịp xu hướng toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm