Ngày 25-6, tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Hôm qua (ngày 24-6), Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã ký báo cáo của Bộ Tư pháp gửi các đại biểu Quốc hội; dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật này.
Tuổi hành nghề của công chứng viên đến 70 tuổi là “có cơ sở”
Đáng chú ý, về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, có ý kiến đề nghị không nên giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên căn cứ vào tiêu chí sức khỏe.
Trong khi đó, một số ý kiến khác đề nghị phải có tuổi hành nghề và cần quy định tuổi hành nghề của công chứng viên tương đương với tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức.
Một số ý kiến đề nghị phân biệt rõ giữa độ tuổi bổ nhiệm và độ tuổi hành nghề của công chứng viên.
Về ý kiến này, Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho hay dự thảo quy định tuổi hành nghề của công chứng viên tối đa là 70 tuổi, có thời hạn chuyển tiếp 2 năm đối với công chứng viên trên 70 tuổi tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành.
Quy định này không chỉ căn cứ vào đề xuất của nhiều địa phương trên cả nước trong quá trình tổng kết thực hiện Luật Công chứng, mà còn có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học.
Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, quy định nói trên phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, đảm bảo nghề công chứng là nghề đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao trong việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi (năm 2022), 73,7 tuổi (năm 2023), Bộ Tư pháp cũng khẳng định “việc xác định tuổi hành nghề của công chứng viên đến 70 tuổi là có cơ sở”.
Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cũng cho hay số lượng công chứng viên hiện nay đã tăng mạnh so với các giai đoạn trước, từng bước theo kịp số lượng giao dịch cần công chứng. Đội ngũ công chứng viên cũng liên tục được bổ sung mới qua các năm và thường tăng mạnh sau các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
Bộ Tư pháp cũng cho hay theo thống kê của các địa phương, số công chứng viên đang hành nghề trên 70 tuổi chiếm khoảng 10%, lượng việc công chứng mà các công chứng viên này thực hiện không nhiều.
“Một bộ phận lớn công chứng viên cao tuổi hầu như không còn hành nghề trên thực tế. Họ chỉ đứng tên hợp danh tại VPCC” - Bộ Tư pháp nêu.
Đối với ý kiến cần phân biệt độ tuổi tối đa để bổ nhiệm CCV và độ tuổi tối đa để hành nghề công chứng, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và sẽ phối hợp với cơ quan có liên quan chỉnh lý dự thảo Luật để bảo đảm tính hợp lý của quy định.
Quảng cáo dịch vụ công chứng là không phù hợp
Tại phiên thảo luận tổ, có ý kiến đề nghị bỏ quy định về việc cấm quảng cáo hoặc chỉ nên cấm quảng cáo về công chứng viên mà không cấm quảng cáo về tổ chức hành nghề công chứng. Trong khi ý kiến khác đề nghị nghiên cứu quy định đầy đủ hơn về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công chứng.
Về ý kiến này, Bộ Tư pháp cho rằng công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp, là loại hình dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm cho công chứng viên thực hiện để đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội. Nhà nước giao cho công chứng viên một phần quyền năng của mình để thay mặt Nhà nước chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch.
“Việc quảng cáo về dịch vụ này như đối với các sản phẩm, dịch vụ thông thường là không phù hợp” - Bộ Tư pháp nhấn mạnh và cho rằng thay vào đó, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải tự xây dựng giá trị và sức hút của mình bằng uy tín nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp.
Mặt khác, Luật Công chứng hiện hành và dự thảo Luật chỉ cấm quảng cáo về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nói cách khác là không được quảng cáo trên các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và Trang/Cổng thông tin điện tử .
“Trường hợp cần thông tin rộng rãi về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng thì vẫn còn nhiều hình thức phù hợp khác như xây dựng các website của tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức hoặc tham gia các chương trình tuyên truyền, giải đáp, giáo dục pháp luật…” - theo Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng các thông tin cần thiết về công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng vẫn thường xuyên được các sở Tư pháp cập nhật, công bố để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tra cứu, tìm hiểu.