Bộ Tư pháp nói về quan điểm xử lý với người nghiện

(PLO)- Theo Bộ Tư pháp, chế tài với tội phạm về ma túy tương đối đầy đủ, còn việc xử lý người nghiện thì phải theo công ước quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa ký văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV.

Cử tri quan tâm vấn đề tội phạm về ma túy, tội phạm về trật tự xã hội... và kiến nghị xử lý nghiêm khắc hơn với loại tội phạm này.

Một phiên tòa xét xử vụ mua bán, vận chuyển trái phép hơn 44,6 kg ma túy của TAND tỉnh Nghệ An hồi giữa tháng 2 vừa qua. Ảnh: TTXVN

Tội phạm ma túy: Đã xử lý nghiêm khắc

Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu trình Quốc hội sớm sửa đổi BLHS và các luật khác có liên quan theo hướng tăng nặng các khung hình phạt đối với tội phạm về ma túy, tội phạm xâm phạm trật tự an ninh xã hội nhằm tạo tính răn đe, phòng ngừa chung.

Theo Bộ Tư pháp, các loại tội phạm có tính chất nguy hiểm cao cho xã hội, BLHS 2015 đã thể chế hóa quan điểm xử lý nghiêm khắc nhằm tạo tính răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.

Đối với nhóm tội phạm về ma túy, BLHS 2015 quy định 13 tội danh để xử lý hành vi phạm tội, trong đó 9/13 tội danh là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Ba tội danh khác là tội phạm rất nghiêm trọng với mức hình phạt cao nhất là hình phạt tù đến 10 năm hoặc 15 năm.

Ngoài ra, trong từng tội còn quy định hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, quản chế, cấm cư trú...

Bộ Tư pháp sẽ cùng các cơ quan liên quan theo dõi, tổng kết, đánh giá việc áp dụng quy định của BLHS về tội phạm ma túy để đảm bảo phòng, chống và ngăn ngừa tội phạm...

Đối với các hành vi xâm phạm trật tự công cộng có tính nguy hiểm cao cho xã hội, BLHS 2015 cũng đã quy định hình phạt nghiêm khắc để xử lý như đối với hành vi chứa mại dâm, BLHS quy định mức hình phạt cao nhất là tù chung thân; hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm…

Dù nhận định chế tài với hai nhóm tội trên đã nghiêm khắc nhưng Bộ Tư pháp cho hay sẽ cùng các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi, tổng kết, đánh giá việc áp dụng quy định của BLHS để có nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách xử lý đối với loại tội phạm này, đảm bảo thực tiễn phòng, chống và ngăn ngừa tội phạm...

Đề nghị luật hóa tội sử dụng ma túy trái phép

Ngoài ra, cử tri tỉnh Quảng Ngãi nhận định người sử dụng ma túy gây ra nhiều vụ án xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, cử tri kiến nghị cần xem xét luật hóa tội sử dụng ma túy trái phép để tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm người sử dụng ma túy gây ra các hậu quả cho xã hội, đảm bảo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy hiệu lực, hiệu quả.

Về nội dung này, Bộ Tư pháp cho hay Điều 199 BLHS năm 1999 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm sau khi đã giáo dục, đưa vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh.

Đến năm 2009, Quốc hội đã bỏ tội danh này và xem việc nghiện ma túy là hiện tượng bệnh lý. Việc xử lý hình sự người sử dụng ma túy có thể đem đến những hậu quả bất lợi về mặt xã hội như tăng thêm mặc cảm đối với người nghiện, khiến cộng đồng xa lánh, kỳ thị và gây khó khăn cho việc cai nghiện cũng như tái hòa nhập cộng đồng.

Mặt khác, thực tiễn áp dụng cho thấy số người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma túy không nhiều, tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa không cao, không khắc phục được tình trạng tái nghiện (tỉ lệ tái nghiện 80%-90%).

Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 đã nhìn nhận người sử dụng ma túy dưới góc độ nhân đạo hơn, theo hướng coi họ không chỉ là người vi phạm pháp luật mà còn là người bệnh…

Cùng với đó, các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Với quan điểm phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không có nghĩa là dung túng đối với hành vi này mà là tìm biện pháp xử lý khác bền vững hơn. Vì vậy, BLHS 2015 tiếp tục không quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm.

Tuy nhiên, để bảo đảm răn đe và phòng ngừa vi phạm, BLHS quy định người thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng chất kích thích mạnh như ma túy vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng.

Trong một số trường hợp, phạm tội trong tình trạng dùng ma túy hoặc chất kích thích khác sẽ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Theo quy định hiện hành (Luật Phòng, chống ma túy năm 2021), Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ đối với người sử dụng trái phép chất ma túy...•

Xử lý hành vi không thi hành án của người bị kết tội tham nhũng

Với nhận định: Điều 380 BLHS 2015 quy định về tội không chấp hành án chưa đủ sức răn đe để xử lý tội phạm tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng của cử tri tỉnh Bến Tre, Bộ Tư pháp cho là luật đã quy định tương đối chặt chẽ.

Theo Bộ Tư pháp, luật quy định rõ là người có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong các vụ án tham nhũng, tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt sẽ được thực hiện thông qua bản án của tòa án.

“Như vậy, BLHS năm 2015 đã quy định đầy đủ chế tài, xử lý đối với hành vi không thi hành án của người bị kết tội tham nhũng” - văn bản trả lời của Bộ Tư pháp nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới