Bộ Tư pháp 'tuýt còi' quy định về đấu giá đất nông nghiệp của Hà Nội

(PLO)- Cục Kiểm tra văn bản QPPL kiến nghị UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.

Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy vừa ký văn bản kết luận kiểm tra Quyết định số 24 của UBND TP. Hà Nội quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn Thủ đô.

Bộ Tư pháp cho rằng quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn Thủ đô có nội dung chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Theo Cục kiểm tra văn bản QPPL, Quyết định số 24/2022 có nội dung trái pháp luật. Cụ thể, khoản 1 Điều 1 quyết định này quy định “đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai: UBND cấp huyện tổ chức đấu giá sử dụng vào mục đích nông nghiệp...”.

Tuy nhiên, đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích mà chưa sử dụng, theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai thì sẽ do UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê...

Do vậy, theo Cục kiểm tra văn bản QPPL, Quyết định số 24 giao thẩm quyền đấu giá đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích cho UBND cấp huyện là chưa phù hợp với quy định tại Luật Đất đai.

Mặt khác, khoản 2 Điều 7 Luật Đất đai 2013 quy định Chủ tịch UBND cấp xã là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích. Do vậy, UBND TP. Hà Nội giao thẩm quyền đấu giá đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích mà chưa sử dụng cho UBND huyện sẽ ảnh hưởng đến việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích.

Ngoài ra, theo Cục Kiểm tra văn bản QPPL, khoản 6 Điều 1 Quyết định số 24 quy định thông báo công khai việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện trên Báo Kinh tế Đô thị, Báo Hà Nội Mới, Báo Đấu thầu là “không có cơ sở pháp lý”. Cục viện dẫn Điều 57 Luật Đấu giá tài sản cho thấy điều luật này không quy định giới hạn các trang báo cụ thể khi thực hiện thông báo công khai.

Liên quan đến hồ sơ và cách thức đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, Quyết định 24 quy định: Việc đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện thông qua các hình thức nộp tiền đặt trước trực tiếp tại đơn vị thực hiện cuộc đấu giá hoặc vào tài khoản của đơn vị thực hiện cuộc đấu giá.

Theo Cục kiểm tra văn bản QPPL, Quyết định số 24 quy định chung là tiền đặt trước được nộp trực tiếp tại đơn vị thực hiện cuộc đấu giá hoặc vào tài khoản của đơn vị thực hiện cuộc đấu giá mà không xác định "chỉ trong trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá mới có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản" là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản 2016.

Từ những phân tích trên, Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) kiến nghị UBND TP. Hà Nội khẩn trương xử lý những nội dung trái pháp luật nêu trên. Đồng thời rà soát quá trình thực hiện Quyết định số 24 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có).

Ngoài ra, Cục Kiểm tra văn bản QPPL cũng kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật; thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới