Bộ Xây dựng chỉ rõ 6 nhóm khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản

(PLO)- Theo Bộ Xây dựng, hiện nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện do gặp 6 vấn đề vướng mắc lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay 17-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Đây là lần thứ 4 Thủ tướng chủ trì hội nghị về bất động sản (BĐS) kể từ đầu năm 2022 đến nay. Hội nghị có sự tham dự của nhiều bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về tài chính và BĐS.

6 nhóm khó khăn, vướng mắc

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai.

Cụ thể, tại TP.HCM có hơn 80% dự án gặp vướng mắc trên tổng số 180 dự án nhà ở, khu đô thị. TP Hà Nội vướng 50% trên số lượng 170 dự án; TP.Đà Nẵng có 60% trong tổng số 75 dự án; TP Hải Phòng có 30% trên số lượng 65 dự án; TP Cần Thơ có 40% dự án trên số lượng 79 dự án nhà ở, khu đô thị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Ảnh: VGP

Theo Bộ Xây dựng, hiện có 6 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc đối với thị trường BĐS.

Thứ nhất là về thể chế, quy định của pháp luật, trong đó có đến 50% các dự án nhà ở, đất đai gặp vướng mắc do quy định về phương pháp định giá đất rất khó xác định đâu là giá thị trường (quy định trong Luật đất đai)

“Các Cơ quan chức năng e ngại, sợ trách nhiệm gây thất thoát nếu định giá thấp hơn thị trường. Nhiều trường hợp định giá cao hơn giá giao dịch thực tế gây khó cho doanh nghiệp thực hiện" - báo cáo nêu.

Thứ hai là các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng nhất là giai đoạn nửa cuối năm 2022 ngay cả khi có tài sản đảm bảo.

Thứ ba, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực BĐS do nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn về điều kiện.

Thứ tư là là việc tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương, nhiều nơi người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đẩy hồ sơ lòng vòng, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.

Bên cạnh đó còn các nhóm khó khăn khác như vấn đề phát triển nhà ở xã hội chậm; Nhiều thông tin tiêu cực, không chính xác đã ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp, gây tâm lý hoang mang cho khách hàng và nhà đầu tư...

6 nhóm giải pháp tương ứng

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị 6 nhóm giải pháp tương ứng để giải quyết 6 nhóm vấn đề khó khăn vướng mắc trên.

Cụ thể về pháp luật, thể chế, Bộ Xây dựng đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung ngay các nghị định hướng dẫn các luật liên quan đến đầu tư, đất đai, thuế, chứng khoán. Đồng thời, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua các Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi, Luật kinh doanh BĐS sửa đổi, Luật đấu thầu sửa đổi....

Về nguồn vốn, Bộ Xây dựng đề nghị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường BĐS; giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo tại hội nghị (Ảnh: VGP)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo tại hội nghị (Ảnh: VGP)

Trong đó ưu tiên cho những dự án khả thi, phục vụ nhu cầu ở thực tế của người dân, dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư, dự án BĐS phục vụ sản xuất, công nghiệp...

Về nguồn vốn trái phiếu, Bộ Xây dựng đề nghị kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời tạo điều kiện không làm cản trở các doanh nghiệp có năng lực, hiệu quả kinh doanh tốt.

Về tổ chức thực thi pháp luật của địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị tập trung nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức trong triển khai nhiệm vụ, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính, phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư...

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, kế hoạch đã đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại các đô thị và công nhân ở các khu công nghiệp; Có giải pháp thông tin, truyền thông để khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường phát triển lành mạnh, bền vững...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm