Sửa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cần tránh chồng chéo

(PLO)- Theo nhiều chuyên gia cùng các cơ quan, ban ngành liên quan, vẫn còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh, sửa đổi để hoàn thiện hai dự thảo luật quan trọng này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-2, tại TP.HCM, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi.

Tránh mập mờ, xóa chồng chéo luật

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết công việc quản lý nhà nước về nhà ở, kinh doanh BĐS chịu sự điều chỉnh và chi phối của rất nhiều luật khác nhau.

Cụ thể, nhà ở - kinh doanh BĐS đang chịu sự điều chỉnh và chi phối của hàng chục luật như Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Kinh doanh BĐS; Luật Nhà ở; Luật Doanh nghiệp; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá; Luật Thuế

“Để tránh xung đột về quản lý nhà nước, UBND TP cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xây dựng dự thảo đồng bộ, thống nhất với các điều luật kể trên. Hiện nay, hai dự thảo luật đang được xây dựng vẫn còn vướng nhiều luật khác” - ông Khiết nói.

Ngoài ra, theo ông Khiết, hai dự thảo luật là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS chỉ mới giải thích khái niệm về nhà ở như nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà ở thương mại… nhưng thực tế hiện nay có nhiều loại hình BĐS như officetel, condotel, shophouse, Airbnb, BĐS tâm linh…

“Vấn đề là trong hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn chuyên ngành xây dựng hiện hay không có quy định về các loại hình này, do đó chưa có tiêu chí kỹ thuật phân biệt giữa các loại hình BĐS này. Cần nghiên cứu bổ sung định nghĩa, khái niệm các loại hình BĐS trên vào các tiêu chuẩn kỹ thuật của quy hoạch đô thị; quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành xây dựng để làm cơ sở bổ sung vào trong luật” - ông Khiết nêu.

Vẫn còn nhiều điểm cần chỉnh sửa, hoàn thiện ở dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ảnh: KC

Vẫn còn nhiều điểm cần chỉnh sửa, hoàn thiện ở dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ảnh: KC

Vị đại diện Sở Xây dựng TP cũng cho rằng theo dự thảo Luật Nhà ở, nguyên tắc phát triển nhà ở là phải phù hợp kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương. Tuy nhiên, trong năm năm, 10 năm thì ở địa phương chắc chắn có sự điều chỉnh phân khu, kế hoạch sử dụng đất, dân số rất nhiều. Như vậy, nếu bám theo dự thảo luật này thì không có dự án nào làm được.

“Vì khi có sự điều chỉnh phân khu, kế hoạch sử dụng đất, dân số thì kéo theo sự điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở trong năm năm, 10 năm. Do đó, chúng tôi kiến nghị căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, quy mô dân số, quy hoạch cấp tỉnh phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xác định sơ bộ vị trí khu vực dự kiến để làm cơ sở cấp phép dự án phát triển nhà ở” - ông Khiết đề xuất.

Ngoài ra, ông Khiết cho biết dự thảo Luật Nhà ở yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang được thực hiện trên địa bàn phải được công khai trên cổng thông tin điện tử cấp tỉnh nhưng “đang được thực hiện” thì không rõ. “Chúng tôi kiến nghị là chỉ công khai những dự án nhà ở đã được quyết định chủ trương đầu tư, các loại khác thì không cần, cái này tránh được những trường hợp gian gian díu díu mập mờ” - ông Khiết phân tích.

Quyền sở hữu trong dự thảo Luật Nhà ở

Nói về quyền sở hữu trong dự thảo Luật Nhà ở, TS Nguyễn Vinh Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 25 dự thảo luật, quyền sở hữu chung cư bị chấm dứt khi phá dỡ chung cư là không chính xác, không đúng bản chất của quyền sở hữu theo quy định của hiến pháp.

Ông Huy nêu quan điểm: Về nguyên tắc, quyền sở hữu đối với chung cư được xác định là ổn định, lâu dài, trừ trường hợp chung cư xây dựng trên đất có thời hạn sử dụng. “Việc phá dỡ nhà ở đối với các chung cư không đảm bảo an toàn được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở nhưng cần đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng” - ông Huy nói thêm.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sau tám năm đi vào thực thi đã có những quy định không phù hợp với thực tiễn, có sự chồng chéo luật, thời gian qua Bộ Xây dựng đã xây dựng hai dự thảo sửa đổi hai luật quan trọng này.

“Hội thảo được tổ chức sẽ nêu các ý kiến phản biện xã hội hai luật này để Ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, chuẩn bị luận chứng để làm cơ sở cho phản biện xã hội đóng góp cho quá trình xây dựng hai dự luật” - bà Ánh khẳng định.•

Giao dịch bất động sản cần qua sàn

“Đợt này chúng ta sửa đổi nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, các luật này nên có sự đồng nhất” - luật sư Lê Hồng Nguyên, Trưởng Cơ quan đại diện TP.HCM, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, góp ý.

Ngoài ra, theo ông Nguyên, hiện chúng ta chưa kiểm soát được thị trường BĐS, cơ quan thuế cũng đưa ra rất nhiều giải pháp để thực hiện minh bạch thị trường BĐS nhưng vẫn rất khó khăn. Ví dụ, có người bán nhà 10 tỉ đồng nhưng ra công chứng khai bán có 1 tỉ đồng.

“Vì sao như thế, vì trước nay chúng ta không minh bạch, phân lô, bán nền, mua đi bán lại theo cá nhân, không qua sàn giao dịch BĐS nên không kiểm soát được. Đối với những trường hợp cá nhân, tư nhân khi giao dịch BĐS mua bán nên bắt buộc đưa qua sàn giao dịch BĐS. Hiện nay, khoảng 50% giao dịch ở ngoài không qua sàn” - ông Nguyên lý giải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm