Trên số báo ngày 25-11, chúng tôi đã phản ánh những chuyện khó tin trong việc giám định y khoa (GĐYK) để thực hiện chế độ cho người bị phơi nhiễm chất độc hóa học (CĐHH)/dioxin. Nhiều trường hợp con đàn cháu đống thì kết luận là vô sinh, người đang là bí thư chi bộ, vừa về hưu thì “bị” kết luận là tâm thần.
Chưa trả lời nhưng có công văn chấn chỉnh trong ngành
Trước các nghi vấn trong công tác khám, GĐYK hàng ngàn hồ sơ hưởng chế độ CĐHH chưa đúng quy định, ngày 4-10, báo Pháp Luật TP.HCM đã có văn bản gửi ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chất vấn nhưng sau nhiều lần liên hệ, đến nay Cục Quản lý khám chữa bệnh chưa có văn bản trả lời.
Tuy nhiên, ngày 25-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có văn bản gửi giám đốc Sở Y tế trên cả nước; giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK Trung ương I, II, III và thủ trưởng y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác khám, GĐYK.
Văn bản nêu: Gần đây Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát hiện một số sai phạm, bất cập và thực hiện chưa đúng với quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế tại một số hội đồng GĐYK trong việc thực hiện khám, GĐYK bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH/dioxin.
Bộ Y tế yêu cầu những ca bệnh, tật còn nghi ngờ hoặc khó chẩn đoán cần tổ chức hội chẩn chuyên môn để xác định từng bệnh, từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả chẩn đoán bệnh, tật và kết quả điều trị của mình.
Việc thực hiện chẩn đoán một số bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH/dioxin cần thực hiện nghiêm theo quyết định của bộ trưởng Bộ Y tế (Quyết định 3201/2016)… “Thủ trưởng hoặc cấp phó của đơn vị không ủy quyền cho cấp dưới ký bản tóm tắt bệnh án và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp giấy ra viện hoặc bản tóm tắt bệnh án điều trị nội trú hoặc ngoại trú của đơn vị mình…” - Bộ Y tế nêu rõ.
Nạn nhân phơi nhiễm chất độc hóa học được chăm sóc tại Quảng Trị. Ảnh: A.TUẤN
Quy trách nhiệm cho cấp dưới
Cũng theo văn bản này, Bộ Y tế yêu cầu đối với các trường hợp có giấy ra viện hoặc bản tóm tắt bệnh án điều trị với chẩn đoán mắc bệnh tâm thần có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH, hội đồng GĐYK cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, khai thác kỹ tiền sử, bệnh sử của đối tượng. Hội đồng GĐYK chỉ kết luận bị bệnh tâm thần có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH/dioxin khi đối tượng có giấy tờ ghi nhận quá trình điều trị về bệnh tâm thần nêu trên liên tục trong ba năm gần đây của các cơ sở y tế.
Căn cứ hồ sơ điều trị của đối tượng và tình trạng bệnh, tật hiện có của đối tượng, giám định viên khám, xác định đúng bệnh, tật và đúng mức độ bệnh, tật cũng như tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (suy giảm khả năng lao động) của đối tượng theo đúng quy định. Mục đích đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám, giám định của mình.
Bộ Y tế cũng giao chủ tịch hội đồng GĐYK phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận khám, giám định của hội đồng do mình làm chủ tịch.
Bộ cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với công an địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn, kịp thời phát hiện những việc làm sai nhằm mục đích trục lợi. “Kiên quyết đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh trước pháp luật những trường hợp cố tình làm sai quy định, vi phạm pháp luật trong việc khám, giám định để trục lợi…” - Bộ Y tế nhấn mạnh.
Những câu hỏi chờ Bộ Y tế trả lời Báo Pháp Luật TP.HCM đã gửi đến Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) một số câu hỏi nhưng chưa có câu trả lời. • Công tác khám, giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH được tiến hành như thế nào, có đảm bảo tính công khai, minh bạch không? • Kết luận của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH (tại 11 tỉnh) chỉ ra các sai phạm như việc xét nghiệm sơ sài, kết luận bệnh còn chung chung, một số trường hợp khi xác minh không mắc bệnh… (có văn bản kèm theo). Vì sao lại có những sai sót trên và nguyên nhân từ đâu? • Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH có nghi vấn sai phạm trong việc giám định của Hội đồng GĐYK tỉnh Thái Bình nhưng văn bản trả lời, Bộ Y tế chỉ kết luận “đúng quy trình và hướng dẫn”. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng họ không hỏi quy trình mà muốn Bộ Y tế (cụ thể là Cục) giám định lại… • Năm 2017, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH có văn bản đề nghị Bộ Y tế “xem lại” 671 trường hợp ở tỉnh Quảng Trị nhưng ba năm qua Bộ Y tế vẫn chưa có văn bản trả lời, nguyên nhân vì sao? • Có cá nhân, đơn vị nào bị xử lý kỷ luật liên quan việc giám định? • Cục có tham mưu cho Bộ Y tế chấn chỉnh gì trong công tác giám định bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm CĐHH? |