“Việc phát hiện ra hàng ngàn hồ sơ thương binh không đảm bảo quy định là một quá trình dài mà Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã quyết liệt tham mưu cho lãnh đạo phối hợp với Bộ Quốc phòng…”. Bà Đàm Thị Minh Thu, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng Đoàn thanh tra liên ngành, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCMvề quá trình thanh tra và phát hiện ra gần 2.300 hồ sơ thương binh giả...
Phát hiện nhiều vấn đề
. Phóng viên: Tại sao Bộ LĐ-TB&XH phải phối hợp với Bộ Quốc phòng mở cuộc thanh tra, thưa bà?
+ Bà Đàm Thị Minh Thu (ảnh): Trước thời điểm năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH nhận được nhiều đơn thư tố cáo về việc làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh tại Quân khu 1 và Bộ tư lệnh thủ đô. Kết quả kiểm tra có đến 70% tố cáo đúng.
Mặt khác, qua thanh tra tại một số tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 2 và Quân khu 4 cũng phát hiện nhiều hồ sơ thương binh có dấu hiệu tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, theo phân cấp quản lý lúc đó, hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội xác lập và lưu trữ tại các quân khu, quân đoàn và cấp tương đương. Các sở LĐ-TB&XH chỉ tiếp nhận hồ sơ bản sao và thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng nên việc tiếp cận hồ sơ gốc gặp một số khó khăn…
Vì vậy, tôi đề xuất lãnh đạo thanh tra tham mưu với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp thanh tra, kiểm tra. Thời gian tiến hành thanh tra bắt đầu từ năm 2015, với các hồ sơ được xác lập ở thời điểm năm 1998-2013, tại bảy quân khu (Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9) và Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội.
Chúng tôi phải phối hợp với Bộ Quốc phòng vì phải kiểm tra các hồ sơ gốc và phải xác minh từ các đơn vị quân đội.
. Quá trình thanh tra phát hiện những sai phạm chủ yếu là gì, thưa bà?
+ Chúng tôi tiến hành kiểm tra tất cả hơn 66.000 hồ sơ gốc đang được lưu tại các quân khu, dùng các biện pháp nghiệp vụ quan sát, nếu nghi vấn sẽ rút về xác minh, trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự…
Qua đó sai phạm chủ yếu là tẩy xóa, thêm bớt thông tin, thời gian, địa điểm, trường hợp bị thương… để xác lập hồ sơ.
Bên cạnh đó, việc bàn giao hồ sơ không chặt chẽ nên một số đơn vị giao hồ sơ cho đối tượng tự nộp cho Sở LĐ-TB&XH. Điều này dẫn đến một số đối tượng lợi dụng đưa hồ sơ giả vào nhưng các cơ quan chức năng không phối hợp kiểm tra, đối chiếu nên không phát hiện được.
Hình thức vi phạm chủ yếu của các cán bộ là cấp lại giấy chứng nhận bị thương hoặc xác nhận đối tượng đã công tác, chiến đấu tại đơn vị thiếu căn cứ hoặc chưa kiểm tra, thẩm định kỹ về hồ sơ, tài liệu…
Cá biệt có trường hợp cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái, thậm chí tiếp tay làm giả hồ sơ hưởng chế độ không đúng quy định. Điển hình như vụ án tại Quân khu 1 (quân đội đã phạt tù nhiều cán bộ chính sách - PV).
Tới đây việc xác lập hồ sơ thương binh sẽ theo quy trình chặt hơn. Trong ảnh:Những thương binh nặng tiêu biểu. Ảnh: V.LONG
Tin tưởng vì toàn cấp cao ký
. Nguyên nhân nào mà có đến hàng chục ngàn hồ sơ thương binh giả mạo, nghi giả mạo, thưa bà?
+ Hồ sơ thương binh được xác lập qua nhiều cấp, từ cấp xã lên ban chỉ huy quân sự cấp huyện, bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh và cuối cùng là bộ tư lệnh các quân khu. Đây là thời điểm giải quyết hồ sơ thương binh diện tồn đọng nên số lượng hồ sơ đề nghị giải quyết rất lớn trong khi nhân lực ít.
Tuy chưa đủ cơ sở để khẳng định có đường dây làm hồ sơ thương binh giả nhưng cá nhân tôi cho rằng đối tượng thụ hưởng chính sách khó có thể làm giả được tài liệu, con dấu của các cơ quan, tổ chức một cách tinh vi như vậy.
Tất nhiên, như tôi nói ở trên, để xảy ra sai sót này chắc chắn có cả nguyên nhân chủ quan của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền xác lập hồ sơ. Dù tại một số quân khu chưa đủ cơ sở để kết luận cán bộ chính sách tiếp tay…
. Tại sao “chưa đủ cơ sở” thưa bà?
+ Để kết luận việc đó phải do CQĐT. Hơn nữa, cán bộ chính sách ở các cấp cơ sở khi thẩm định hồ sơ, nếu chỉ quan sát bằng mắt thường khó phát hiện được tài liệu giả.
Trường hợp có nghi vấn thì cần phải trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự nhưng việc này tốn kinh phí và thời gian nên thường không thực hiện ở cấp thẩm định hồ sơ vì sẽ bị chậm tiến độ, không đảm bảo quy trình về giải quyết thủ tục hành chính ở cấp cơ sở.
. Vậy tại sao kết luận thanh tra không kiến nghị chuyển hồ sơ để xử lý hình sự?
+ Đến thời điểm hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH đã và đang thực hiện đúng “mục đích, yêu cầu” khi ký kết chương trình phối hợp giữa hai bộ.
Cụ thể, tăng cường phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công với cách mạng cũng như công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc xác nhận thương binh.
Bên cạnh đó, thông qua kết quả thanh tra nhằm đánh giá, tổng kết công tác xác nhận thương binh diện tồn đọng sau chiến tranh được xác lập hồ sơ và tìm ra nguyên nhân dẫn đến sai sót trong từng khâu tổ chức thực hiện để uốn nắn, chấn chỉnh và kiến nghị các biện pháp khắc phục…
Đặc biệt, từ việc thanh tra đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong quá trình ban hành và thực hiện chính sách, quy định về phân cấp quản lý hồ sơ để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, đoàn liên ngành chúng tôi đề xuất chấn chỉnh, kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong toàn quân khu…
Riêng đối tượng thụ hưởng chính sách sai quy định do khai man, giả mạo hồ sơ đều đã bị đình chỉ trợ cấp và buộc hoàn trả số tiền trợ cấp đã hưởng sai.
. Xin cám ơn bà.
Sửa đổi nhiều quy định Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã kiến nghị sửa đổi Thông tư liên tịch 16/1998. Theo đó, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội sẽ là cơ quan có thẩm quyền cao nhất về thẩm định hồ sơ thương tật của các quân khu gửi lên. Nếu đủ điều kiện sẽ chuyển trả hồ sơ về Cục Chính trị quân khu để giới thiệu đến hội đồng giám định y khoa giám định thương tật với trường hợp thuộc thẩm quyền. Bộ LĐ-TB&XH cũng đang đề xuất sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công theo hướng quy định rõ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng thụ hưởng, thẩm quyền quản lý hồ sơ gốc… để đảm bảo tính chính xác, khách quan, minh bạch hơn… |