Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói về hàng trăm hồ sơ thương binh giả

Ngày 3-8, Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với tỉnh Nghệ An liên quan đến việc thu hồi tiền và đình chỉ 569 người khai man hồ sơ để hưởng chế độ thương binh.

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết buổi họp cả hai bên đều thống nhất phải truy thu số tiền mà các đối tượng đã hưởng sai chính sách, không để trường hợp nào bỏ sót, bỏ qua, lờ đi mà kiên quyết. Theo ông Dũng, Nghệ An cũng rất quyết tâm xử lý các trường hợp này.

Sai đến đâu sửa đến đấy

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng các trường hợp tại Nghệ An được phát hiện từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, để chặt chẽ hơn, Bộ LĐ-TB&XH giao cho Thanh tra bộ giám định kết quả. Sau khi có kết quả, đơn vị đã thông báo đình chỉ trợ cấp cho các đối tượng trên.

“Đối với một số đối tượng là thương binh thật nhưng do làm hồ sơ chưa đúng quy trình, đơn vị đang bình tĩnh xem xét theo đúng quy định pháp luật. Tinh thần của chúng tôi là sai đến đâu sửa đến đấy”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Lê Tấn Dũng trả lời một số thông tin liên quan đến việc phát hiện một số hồ sơ thương binh giả sáng 3-8. Ảnh: VIẾT LONG

Khi phóng viên hỏi với việc phát hiện số lượng lớn người khai man hồ sơ trong một tỉnh, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH có kiến nghị cơ quan điều tra vào làm việc, ông Dũng cho biết trong kết luận Thanh tra không kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra vì đây là thanh tra chuyên ngành từng hồ sơ cụ thể. Tuy  nhiên, trong quá trình xem xét các cơ quan thực hiện khoanh vùng. Nếu cá nhân, tập thể nào vi phạm sẽ kiến nghị xử lý.

Để xảy ra nhiều hồ sơ thương binh giả vừa qua ông Dũng thừa nhận còn có kẽ hở trong lập chính sách. Cụ thể là việc quy định 2 người làm chứng, nhưng trong thực tế có nhiều người nhờ làm chứng. Việc này hiện pháp luật đã điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, sắp tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ sửa Pháp lệnh ưu đãi người có công và các văn bản liên quan để khắc phục những hạn chế trên. Đặc biệt, quy trách nhiệm có từng cá nhân, tập thể ở từng khâu xét duyệt hồ sơ.

Bên cạnh đó, đưa ra các chế tài đối với những người trục lợi chính sách hiện nay chưa cụ thể. “Ví dụ nếu không phải thương binh nhưng làm hồ sơ giả nhận số tiền chế độ trợ cấp thương binh nhận thì không thể đơn giản chỉ thu hồi số tiền. Tới đây pháp lệnh sửa đổi theo hướng phải xử lý mức độ, trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó…”, ông Dũng nói.

Để xảy ra các sai phạm liên quan đến chính sách người có công, ông Dũng khẳng định ngoài trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH còn có trách nhiệm của các bộ, ngành và các tỉnh trong quá trình lập hồ sơ. Bộ LĐ-TB&XH là khâu cuối cùng, nhưng lại dựa trên hồ sơ các bộ, ngành gửi. “Vì vậy, trong quá trình xem xét nếu đơn vị nào làm sai phải chịu trách nhiệm…”, ông Dũng khẳng định.

Làm sao thu hồi tiền đã chi sai?

Bộ LĐ-TB&XH cho biết theo số liệu báo cáo của 54 tỉnh, thành phố thì tổng số trường hợp bị đình chỉ chế độ theo kết luận của Bộ là 6.510 người, số tiền phải thu hồi là gần 420 tỉ đồng. Trong đó, đã thu 1.854 người với số tiền hơn 81 tỉ đồng. Số tiền còn lại phải thu đối với  4.656 người là trên 335 tỉ đồng.

Đối với những trường hợp đã mất, hộ nghèo làm sao thu? Ông Lê Tấn Dũng cho biết Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xem xét khoản trợ cấp người có công với cách mạng đã hưởng không đúng quy định và đang chờ quyết định của Thủ tướng.

Theo nguồn tin của báo Pháp Luật TP.HCM, hiện nay đối tượng chưa thu được nằm trong nhóm người đã chết, gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc bản thân đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo hiện tại không có khả năng hoàn trả là 1.343 người. Nhóm đối tượng còn lại (không thuộc nhóm trên) là 3.313 người, số tiền cần phải thu hồi là gần 240 tỉ đổng.

Tuy nhiên, các địa phương đề xuất xin miễn truy thu các đối tượng thuộc diện đã chết, hộ nghèo và cận nghèo hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo đó, để đảm bảo tính khả thi trong thực thi pháp luật và áp dụng chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét về khoản tiền trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã hưởng không đúng quy định do cơ quan thanh tra kết luận không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi.

Cụ thể, đối với trường hợp vi phạm phải thực hiện thu hồi, giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn địa phương có liên quan (Quân đội, Công an, Lao động - Thương binh và xã hội, Tài chính...) phối hợp thực hiện nghiêm việc thu hồi các khoản trợ cấp ưu đãi của đối tượng đã hưởng không đúng, nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp đã chết, không thực hiện thu hồi số tiền trợ cấp. Đối với trường hợp phải thu hồi nhưng gia đình thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo hoặc bản thân đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo: Giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, tạm thời chưa thu hồi tiền trợ cấp ưu đãi đối tượng hưởng không đúng. Thực hiện việc thu hồi tiền trợ cấp khi họ không còn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo. Đồng thời, báo cáo kết quả về Bộ LĐ-TB&XH, trường hợp cần thiết sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện theo quy định của pháp luật.

Giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

 

Như đã đưa tin, vừa qua Thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH đã phát hiện và quyết định thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với 569 trường hợp, với số tiền phải truy thu là hơn 100 tỉ đồng.

Các đối tượng này được xác định là khai man, giả mạo giấy tờ hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương (bản gốc) lưu tại đơn vị nhưng thời gian qua vẫn hưởng chế độ thương binh. Có người bị thương ở đơn vị này nhưng lại khai và giấy chứng thương ở đơn vị khác…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết trong thời gian tới, nếu những người bị tạm đình chỉ chế độ thương binh chưa “tâm phục khẩu phục” thì có thể khiếu nại, hoặc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đối thoại trực tiếp với đối tượng để giải thích rõ về sai phạm của hồ sơ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm