Ngày 22-2, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 405 kèm hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị COVID-19 cho trẻ em. Hướng dẫn này thay thế hướng dẫn ngày 8-11-2021 (kèm Quyết định số 5155).
Theo Bộ Y tế, SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên COVID19 trẻ em ít gặp hơn, nhưng trong thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng.
Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng.
Trẻ em mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỉ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn. Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em mắc COVID-19 hiếm gặp, gặp ở giai đoạn muộn sau nhiễm SARS-CoV-2 từ 2-6 tuần.
Đây là biến chứng nặng có thể gây tử vong và có xu hướng gia tăng. Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế thay đổi hướng dẫn về trường hợp bệnh nghi ngờ và xác định.
Trong đó, trường hợp bệnh xác định gồm: Trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR); Trẻ tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2; Trẻ có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc COVID-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính;
Trẻ có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với SARS-CoV-2. Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Về đặc điểm triệu chứng lâm sàng của bệnh nhi mắc COVID-19, so với hướng dẫn trước, Bộ Y tế không thay đổi. Bộ bổ sung thêm mức độ trẻ nhiễm không có triệu chứng (không có biểu hiện lâm sàng), cùng với mức độ nhẹ - trung bình – nặng – nguy kịch. Như vậy, có 5 mức độ trong phân độ lâm sàng.
Ngoài ra, hướng dẫn này cũng bổ sung việc điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir (hướng dẫn trước không có). Theo đó, Remdesivir được chỉ định điều trị cho người bệnh nội trú thể nhẹ có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ, hoặc người bệnh suy hô hấp phải thở oxy/thở CPAP/thở oxy dòng cao HFNC/thở máy không xâm nhập (trước đó trẻ mức độ nhẹ không dùng).
Trẻ là F0 ở mức độ nhẹ nếu có yếu tố nguy cơ cũng sẽ được cân nhắc điều trị tại cơ sở y tế.
Các yếu tố nguy cơ khiến bệnh diễn biến nặng nếu trẻ mắc COVID-19 gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp, béo phì, thừa cân, dái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá, các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản, Ung thư, bệnh thận mạn tính. ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu, bệnh tim mạch, bệnh lý thần kinh, bệnh gan,…