Bộ Y tế không đồng ý thí điểm kinh doanh sản phẩm có hại cho sức khỏe

(PLO)- Bộ Y tế nhiều lần kiến nghị Thủ tướng cấm thuốc lá điện tử, nhưng Bộ Công Thương thì đề nghị cho kinh doanh thí điểm có thời hạn với loại sản phẩm mới này.

Tại hội thảo chuyên đề sáng 26-7 của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho biết: “Tình trạng thanh thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống nhưng lại thử và bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng trên toàn cầu và tại Việt Nam. Nếu cho phép thí điểm kinh doanh sẽ gặp nhiều vướng mắc pháp lý cũng như những hậu quả sức khỏe cộng đồng chưa thể lường trước".

Thuốc lá mới xuất hiện trên thế giới và Việt Nam, gồm nhiều loại (ngậm, nhai, hít…). Ảnh minh hoạ

Cụ thể, các văn bản pháp luật hiện hành không điều chỉnh và không cho phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá mới. Nay cho phép kinh doanh, dù thí điểm cũng là đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh thuốc lá điếu truyền thống, những năm gần đây thế giới xuất hiện các loại thuốc lá mới dưới dạng ngầm, nhai, hít. Việt Nam chưa công nhận loại hàng hóa này, nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện ngày càng nhiều thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng qua đường nhập lậu, xách tay. Từ thực tế này, Bộ Công Thương đề nghị cho thí điểm kinh doanh mặt hàng này.

Ngoài ra, việc cho phép thí điểm mà chưa đánh giá tác động chính sách là chưa tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng theo bà Trang, đề xuất thí điểm mới chỉ tiếp cận từ góc độ kinh doanh, chưa nghiên cứu thấu đáo từ góc độ bảo vệ sức khỏe người dân và xã hội. Thí điểm một sản phẩm gây nghiện nhưng lại không có giải pháp cho việc giải quyết các hệ lụy sức khỏe, xã hội và những hệ quả sau khi kết thúc thí điểm là hạn chế của đề xuất này.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: NHƯ LOAN

Chưa kể, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản cho người sử dụng. Đây cũng là các lý do mà từ năm 2020-2021, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đó là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe khi chưa đủ thông tin, các nguy cơ, tác hại lâu dài còn chưa được nhận biết.

Theo BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống, gây hại cho cả người hút và người xung quanh. Các loại thuốc này có nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh ung thư, nhất là ung thư phổi. Thuốc lá điện tử còn gây nhồi máu cơ tim, liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp.

Kết quả điều tra mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc thụ động) ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2020 cho thấy: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá chung là 21,7%, thấp hơn một chút so với tỷ lệ 22,5% của năm 2015. Nam giới hút thuốc là 42,3%, so với 45,3% của năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lại tăng một chút, 1,7% so với 1,1% của năm 2015.

Nghiên cứu này không đề cập tới thuốc lá mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới