Ngộ độc thuốc lá điện tử, chuyên gia khuyến nghị: Cần quản lý chặt sản phẩm này

(PLO)- Sau khi hút thuốc lá điện tử, ông V thấy run tay chân, hoa mắt chóng mặt, đứng không vững… tình trạng càng lúc càng nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thuốc lá điện tử theo quy định của pháp luật cũng là sản phẩm thuốc lá, do đó không bị cấm nhưng cần được quản lý theo các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Choáng váng sau hút thuốc lá điện tử

Bệnh nhân NVV (46 tuổi, trú tại Tuyên Quang) làm nghề kinh doanh, khi thấy có 1 điếu thuốc lá điện tử của khách để quên sau 2 ngày nhưng không ai đến nhận nên đã lấy ra thử một lần.

Sau hút, ông V thấy run tay chân, hoa mắt chóng mặt, đứng không vững… tình trạng càng lúc càng nghiêm trọng nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để cấp cứu.

Bác sĩ cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu. Sau 1 ngày điều trị theo phác đồ ngộ độc, bệnh nhân ổn định sức khỏe.

Đáng nói, đây không phải là ca bệnh đầu tiên ngộ độc thuốc lá điện tử. Gần đây, các bệnh viện khác cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự.

Nam bệnh nhân Đ điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: BV

Nam bệnh nhân Đ điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: BV

Trước đó, vào tháng 10-2021, nam sinh ĐXĐ, 15 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội, được gia đình phát hiện ngã từ trên ghế đập đầu xuống nền cứng kèm theo co giật 3 - 4 lần, mỗi cơn kéo dài 3 - 5 phút. Đ được chuyển tới Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn tối đa.

Tại Hà Nội, nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%; lớp 10 - 12 là 12,6%; với nữ là 4,8%, nam là 12,4%.

Sau khi tiến hành chụp CT Scanner sọ loại trừ tổn thương não, xét nghiệm khí máu cho kết quả bình thường, các bác sĩ cai an thần để bệnh nhân tự thở qua ống và tỉnh trước khi rút ống nội khí quản. Khi tỉnh lại, Đ khai đã hút thuốc lá điện tử có bơm tinh dầu tự mua trên thị trường.

Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tại Việt Nam, tính đến năm 2019, có khoảng 2,6% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13-17 đang sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tại nước ta đang trẻ hóa, đặc biệt ở lứa tuổi thích khám phá, muốn thử những thứ lạ và muốn khẳng định bản thân qua hình ảnh khói thuốc. Trong khi đó, việc tiếp cận với thuốc lá điện tử cũng trở nên dễ dàng, đặt ra thách thức trong kiểm soát cũng như hạn chế những tác hại mà thuốc lá điện tử gây ra cho sức khỏe của thế hệ trẻ.

Thuốc lá điện tử cũng chứa nicotine

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), cho biết thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin để đốt nóng chất lỏng chứa nicotine, dung môi hữu cơ, chất tạo hương vị khác. Dưới tác dụng của nhiệt, chất lỏng này sẽ hóa thành hơi để người dùng hút. Các chất lỏng thường được bán trên thị trường trong những lọ nhỏ gọi là “tinh dầu”. Thuốc lá điện tử hiện nay thường phổ biến ở dạng vape và pot.

Theo bác sĩ Oanh, thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử đều có đặc điểm chung là chứa nicotine, một trong những chất có tính gây nghiện hàng đầu (chỉ sau heroin và cocain). Thuốc lá điện tử ban đầu được phát minh như một giải pháp thay thế cho những người hút thuốc lá truyền thống vốn rất độc hại.

Tuy nhiên việc tiếp thị và quảng cáo của người bán thường khiến thanh niên lầm tưởng rằng hút thuốc lá điện tử an toàn và không gây nghiện, nhưng thực chất thiết bị vape được thiết kế để người dùng hít vào phổi một lượng nicotine lớn hơn và nhanh hơn.

Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc khói thuốc lá điện tử có thể gây ra nguy hại về sức khỏe với những người khác hít phải. Tuy nhiên việc nó có ảnh hưởng tới người xung quanh là có thể. Một số người mắc các bệnh hô hấp hoặc nhạy cảm với mùi sẽ cảm thấy khó chịu khi hít phải khói thuốc lá điện tử với các mùi vị của nó.

Vì vậy người hút thuốc lá cần phải tôn trọng những người xung quanh, đặc biệt không nên hút trước mặt trẻ em, thanh thiếu niên vì có thể tạo ra hình mẫu cho trẻ bắt chước. Hút thuốc lá dù dưới bất kỳ hình thức gì đều rất nguy hại cho trẻ em và thanh thiếu niên. Việc tiếp xúc với nicotine từ lúc còn nhỏ hoặc trong độ tuổi thanh thiếu niên có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của não bộ.

Chuyên gia thông tin thêm, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hút vape gây ra những tổn thương ở cấp độ tế bào trong phổi. Việc hít vào các chất hóa học có trong thành phần thuốc lá điện tử có thể gây các tổn thương không thể phục hồi ở phổi.

Lý giải về đồn đoán hút thuốc lá điện tử ít độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống, bác sĩ Oanh nói: “So với hút thuốc lá truyền thống thì thuốc lá điện tử đúng là ít gây hại hơn. Do thuốc lá điện tử chỉ hóa hơi dung dịch chứa nicotine, còn thuốc lá điếu thì đốt cháy và tạo ra nhiều khói và hợp chất gây nguy hại cho sức khỏe hơn. Tuy vậy, thuốc lá điện tử, vaping mới phổ biến trong thời gian gần đây (thuốc lá điện tử được phát minh vào năm 2003) nên chưa có đủ thời gian để nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Tốt nhất không phải là người hút thuốc lá sẵn thì đừng bắt đầu vaping”.

Bác sĩ Oanh cho rằng, thuốc lá điện tử theo quy định của pháp luật cũng là sản phẩm thuốc lá, do đó không bị cấm nhưng cần được quản lý theo các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hiện nay trên thị trường việc mua bán các lọ tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử rất phổ biến, sản phẩm hầu như không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không tuân thủ các quy định về nhãn mác và thông tin cảnh báo.

“Vì vậy chúng tôi khuyến nghị các cơ quan quản lý thị trường quản lý chặt sản phẩm này theo đúng các quy định như đối với sản phẩm thuốc lá, kiểm soát nguồn gốc, nhãn mác, các đơn vị được phép mua bán và đối tượng được mua thuốc lá điện tử. Tất cả các sản phẩm chứa nicotine cần được dán nhãn cảnh báo gây nghiện trên bao bì và cần có các biện pháp để bảo vệ trẻ vị thành niên trước tác hại của thuốc lá” – Bác sĩ Oanh nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm