“Tương ứng với những thay đổi trong việc thu hồi đất thì chính sách bồi thường đất làm cho người dân được lợi hơn”. Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định như thế khi nói về những điểm mới trong quy định bồi thường đất của Luật Đất đai 2013.
Mua bán đất giấy tay được bồi thường ra sao?
. PV: Đối với những diện tích đất đã có giấy chứng nhận (GCN) nhưng người dân mua bán giấy tay với nhau thì việc bồi thường có khác gì so với trước đây?
+ Luật sư Lê Văn Hoan: Nếu như trước đây Nhà nước chỉ bồi thường đối với những trường hợp mua bán đất mà đất này đã được cấp GCN quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp GCN quyền sử dụng đất nhưng các bên mua bán với nhau bằng giấy tay trước 1-7-2004 thì nay những trường hợp này được gia hạn đến trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (tức là ngày 1-7-2014).
Đối với những trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Như vậy, nếu trường hợp này bị thu hồi đất thì vẫn được bồi thường. Đây là điểm có lợi hơn cho người sử dụng đất.
Luật Đất đai 2013 có nhiều thay đổi có lợi cho người bị thu hồi đất. Ảnh minh họa: PV
Tái định cư: Tính cả số cặp vợ chồng
. Đối với đất ở thì đâu là điều đáng lưu ý, thưa ông?
+ Nếu như trước đây việc tái định cư (TĐC) chỉ xem xét hộ gia đình nói chung thì nay đã cụ thể, chi tiết đến số cặp vợ chồng trong hộ gia đình. Trường hợp trong hộ gia đình mà có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi, nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở thu hồi thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở TĐC và tình hình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở TĐC cho từng hộ gia đình.
Một điểm mới có lợi nữa, đó là mở rộng quyền cho người bị thu hồi đất: Trường hợp trong thửa đất ở thu hồi còn diện tích đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở thì hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi được chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất đó sang đất ở trong hạn mức giao đất ở tại địa phương, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và việc chuyển mục đích sang đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
. Còn đối với đất nông nghiệp, Luật Đất đai 2013 mới có tiếp tục quy định về hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư hay không?
+ Luật mới đã bãi bỏ quy định này. Người sử dụng đất chỉ được bồi thường phần diện tích trong hạn mức theo quy định tại Điều 129, 130 Luật Đất đai 2013 và diện tích đất do được nhận thừa kế.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trước 1-7-2014 do được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác theo quy định của pháp luật mà đủ điều kiện được bồi thường thì được bồi thường, hỗ trợ theo diện tích thực tế mà Nhà nước thu hồi. Cần lưu ý thêm là đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 129 của luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.
. Xin cám ơn luật sư.