Vấn đề bồi thường dân sự trong vụ ba du khách Anh tử nạn ở thác Datanla (Đà Lạt, Lâm Đồng) khá phức tạp, bao gồm quan hệ bồi thường theo hợp đồng, ngoài hợp đồng theo BLDS và cả các quy định trong luật bảo vệ người tiêu dùng. Tương ứng với các quan hệ này sẽ phát sinh trách nhiệm của từng đối tượng cụ thể, dựa trên nguyên nhân gây tử vong và yếu tố lỗi của các bên liên quan. Do chưa có kết luận điều tra nên trước mắt chỉ có thể vạch ra những vấn đề mang tính nguyên tắc chứ chưa thể kết luận ai phải bồi thường.
Thứ nhất, phải xét hợp đồng dịch vụ giữa các du khách và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Đam Mê Đà Lạt. Nếu hợp đồng không có trò chơi mạo hiểm đu dây vượt thác mà du khách tự chơi thì công ty không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nếu có thì phải xem việc công ty có cung cấp đúng dịch vụ hay chưa. Ngoài ra còn phải xét có hay không hợp đồng giữa công ty du lịch và Ban Quản lý Khu du lịch thác Datanla (nơi tổ chức trò chơi) để xem chất lượng phục vụ có đúng không, có được cảnh báo nguy hiểm không.
Theo thông tin ban đầu mà báo chí phản ánh thì Ban Quản lý Khu du lịch thác Datanla lý giải muốn chơi trò này khách phải mua vé, đây cũng là một dạng hợp đồng dịch vụ giữa hai bên. Sau khi xem xét tất cả quan hệ trên thì mới đánh giá được lỗi của các bên và phát sinh trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng.
Đu dây mạo hiểm ở Khu du lịch thác Datanla, Đà Lạt. Ảnh: HOÀI THU
Thứ hai, do đã xảy ra sự cố nghiêm trọng thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng vốn được pháp luật bảo vệ nên trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng chắc chắn phát sinh.
Thực tế sự việc cũng đã hội đủ điều kiện theo luật là: Có thiệt hại xảy ra; có hành vi trái pháp luật; có lỗi và có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. Vấn đề là phải xem xét hành vi trái pháp luật và yếu tố lỗi của các bên như thế nào.
Theo lời khai ban đầu của hướng dẫn viên thì họ có mua vé vào cổng Khu du lịch thác Datanla nhưng tự ý băng rừng, khám phá “chui”, không mua vé trò chơi leo thác và sử dụng các thiết bị an toàn do khu du lịch cung cấp. Khi thấy một đoàn khách nước ngoài chuẩn bị trượt nước, ba du khách yêu cầu và anh này đồng ý cho họ được trượt nước.
Như vậy, lỗi chính là do du khách tự ý đòi chơi “chui” trong khi biết trò đó nguy hiểm, nếu không có các dụng cụ bảo vệ chuyên biệt và đã được cảnh báo (có thể thấy biển báo hoặc hướng dẫn viên giải thích).
Nhưng ngay cả khách chơi “chui” thì khu du lịch cũng có một phần lỗi vì đưa vào kinh doanh mạo hiểm nhưng thiếu cảnh báo, túc trực trong toàn bộ khuôn viên trò chơi, để xảy ra sự cố. Hoặc nếu người của khu du lịch biết du khách chơi không an toàn mà không nhắc nhở, cảnh báo thì họ cũng có lỗi.
Người của Công ty Du lịch Đam Mê Đà Lạt có lỗi trong việc không ngăn cản, cảnh báo hoặc cố tình lờ đi lỗi của du khách khi họ tỏ ý muốn chơi “chui” trò nguy hiểm. Nhưng đây không phải là lỗi chính vì thực tế khi du khách đã muốn (biết trái mà vẫn làm) thì cũng khó ngăn cản. Ngoài ra còn phải điều tra làm rõ xem có tình huống khách quan nào hoặc ai đó xô đẩy các nạn nhân trong khi chơi không…
Trường hợp công an khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can thì các vấn đề bồi thường dân sự như đã phân tích ở trên sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự chứ không tách ra giải quyết riêng.
TS LÊ MINH HÙNG (*)
Tạm ngưng du lịch mạo hiểm tại thác Datanla Trưa 28-2, lãnh đạo Trung tâm Điều hành hướng dẫn du lịch Đà Lạt (thuộc Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng - Dalat Tourist), đơn vị quản lý thác Datanla đã ra thông báo dừng các hoạt động du lịch mạo hiểm tại thác Datanla. Lý do mà trung tâm đưa ra là sau vụ ba du khách Anh tử nạn, các hướng dẫn viên bị sốc, cần có thời gian ổn định tâm lý và các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của ba du khách. Trong thời gian tạm ngưng hoạt động du lịch mạo hiểm tại thác Datanla, trung tâm sẽ rà soát các thiết bị phục vụ du lịch thể thao mạo hiểm trong khu vực thác nhằm bảo đảm an toàn. Dalat Tourist được giao quản lý và tổ chức các tour du lịch mạo hiểm tại thác Datanla, việc này được giao trực tiếp cho trung tâm. Trước đó, tại buổi họp sáng 27-2, Công an tỉnh Lâm Đồng nhận định chất lượng, đội ngũ hướng dẫn viên kinh doanh du lịch mạo hiểm chưa bảo đảm… Cũng trong cuộc họp khẩn sáng 27-2 của Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, ông Mai Viết Đảng, Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Công ty Du lịch Đam Mê (đơn vị tổ chức tour cho ba du khách người Anh bị tử nạn) có hợp đồng với bảo hiểm. Tuy nhiên, ba du khách Anh gặp nạn không được công ty mua bảo hiểm riêng. “Việc làm này của Công ty Đam Mê không những bị xử lý hành chính mà có thể khởi tố vụ án để điều tra” - ông Đảng nói. CAO DIÊN |
____________________________
(*) trưởng bộ môn Luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM.