Qua thông tin trên mạng và bạn bè giới thiệu, nhóm tôi tìm được điện thoại của một công ty du lịch để mua tour trò chơi vượt thác Datanla với chi phí khoảng 700.000 đồng/ngày (từ sáng đến chiều). Nhóm chúng tôi có ba, bốn huấn luyện viên đi kèm. Mỗi người được phát mũ bảo hiểm, áo phao và xuyên rừng, lội suối để đến những cái thác diễn ra trò chơi.
Khách Tây khóc nức nở
Theo lời anh hướng dẫn viên du lịch kiêm huấn luyện viên, các địa điểm đã được khảo sát kỹ, đảm bảo an toàn cho người chơi, trang thiết bị được nhập từ Đức, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, thời hạn sử dụng. Hai trò chơi cuối là “nặng đô” nhất: Đu dây vượt thác Datanla cao 25 m và nhảy tự do xuống thác từ độ cao 9 m.
Để chơi trò đu dây vượt thác, chúng tôi được các huấn luyện viên giải thích và hướng dẫn rất kỹ từng bước. Sau đó từng người phải thực hành ở những vách đá khô để huấn luyện viên kiểm tra kỹ năng.
Vượt qua các bước kiểm tra kỹ thuật dễ dàng nhưng khi “lâm trận” tại thác Datanla thì tôi và nhiều người vẫn gặp nhiều khó khăn. Thời điểm tôi đi đang mùa mưa nên lượng nước ở thác rất lớn, lực rất mạnh khiến nước bắn tung tóe vào mặt, vừa đau vừa không nhìn rõ. Mới nắm dây đi được chừng 1 m tôi bị trượt chân treo lủng lẳng giữa thác. Cứ mỗi lần tì được đầu gối vào vách đá tìm thế đứng dậy thì lại bị dòng thác bên trên đổ xuống hất văng ra.
Chơi trò đu dây vượt thác Datanla.
Tôi tìm cách đi ngược trở lên nhưng cũng không xong. Sau năm phút loay hoay mà nhiều lần tưởng như bất lực, dùng hết quyết tâm tôi đạp chân vào vách đá và đứng lên được để tiếp tục trò chơi trong tiếng vỗ tay reo hò mừng rỡ của huấn luyện viên bên trên và các bạn đi cùng.
Sau khi rơi xuống thác, bên dưới có sẵn huấn luyện viên khác đón để kéo khách vào bờ bằng cách ném áo phao, quăng dây hoặc huấn luyện viên sẽ bơi ra nếu người chơi quá hoảng loạn.
Tôi hỏi huấn luyện viên: Giả sử tôi không thể xoay xở thì có cách gì hay không? Anh cho biết trong tình huống đó anh sẽ đu dây xuống song song và đỡ tôi để cùng vượt thác. Một giải pháp khác là mở dây cho tôi rơi thẳng xuống nhưng không ưu tiên phương án này vì làm khách sợ hãi. Tuy nhiên, anh để cho tôi tự xoay xở trước vì qua quan sát cảm thấy tôi rất bình tĩnh.
“Nhiều khách Tây khóc nức nở không dám chơi hoặc không thể đi tiếp khi đứng trên đỉnh thác và quay mặt nhìn xuống thấy hun hút bên dưới. Nhiều người không dám buông tay ở bước cuối cùng nên huấn luyện viên phải rút dây lên để họ rơi bị động xuống thác” - anh kể.
Không bao giờ chủ quan
Anh huấn luyện viên còn cho hay công ty anh đang bị cạnh tranh rất nhiều. Thấy tour này hút khách, một số đơn vị, thậm chí một số nhóm tự phát ăn theo nhưng không biết chất lượng ra sao. Lần đó, tôi đếm thấy ít nhất có 3-4 đơn vị, không rõ công ty hay tự phát tổ chức cho khách chơi tại đây.
“Tưởng đơn giản nhưng những trò mạo hiểm đòi hỏi huấn luyện viên phải rất giàu kinh nghiệm, có trách nhiệm và trang thiết bị phải tốt mới đảm bảo an toàn cho khách” - anh cho hay.
Đã là mạo hiểm thì dù là trò chơi cũng có thể xảy ra rủi ro. Nhưng tôi nghĩ các tình huống nguy hiểm sẽ được hạn chế tối đa nếu hai bên tôn trọng các yêu cầu trên và giải quyết tình trạng làm tour tự phát, kém chất lượng, coi thường tính mạng người khác.
Trò chơi mạo hiểm đu dây
Diễn biến vụ việc - Ông Đỗ Ngọc Long, tài xế của một công ty chuyên tổ chức tour du lịch tư nhân, cho biết sáng cùng ngày ông có nhận chở ba du khách nước ngoài gồm hai nam, một nữ đến hạ lưu thác Datanla thám hiểm. Lúc 11 giờ 30, ba du khách này xuống thung lũng, bắt đầu chuyến thám hiểm. Cùng đi với ba du khách còn có một hướng dẫn viên người Việt. Đến 13 giờ, ông nhận được tin ba du khách gặp nạn. - Chiều tối 26-2, làm việc với cơ quan công an, hướng dẫn viên Đặng Văn Sĩ (26 tuổi, đã được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế), là người trực tiếp hướng dẫn ba nạn nhân đăng ký tour của Công ty Du lịch Đam Mê, cho biết sau khi chơi máng trượt xong, ba du khách người Anh đã tự ý men quốc lộ 20, cách cổng 500 m rồi leo xuống thác. Khi hướng dẫn viên yêu cầu quay lên, những người này không đồng ý mà còn tự thả mình theo dòng nước. Đến đoạn nước xiết thì bị rơi xuống vực dẫn tới tử vong. - Đại tá Vũ Nhân Khánh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, người trực tiếp chỉ đạo lực lượng công an cứu hộ tại hiện trường, cho biết do địa điểm nơi ba du khách nước ngoài gặp nạn rất cheo leo, nguy hiểm nên lực lượng cứu hộ gặp khó khăn trong việc vượt thác ghềnh để tìm và đưa ba thi thể lên phía cổng vào Khu du lịch Datanla. - Đến 16 giờ 30, thi thể ba du khách tử nạn tại thác Datanla - Đà Lạt được tìm thấy và đưa về nhà xác BV Đa khoa Lâm Đồng để chờ khám nghiệm tử thi và làm các thủ tục cần thiết chuyển các thi thể về TP.HCM bàn giao cho Lãnh sự quán Anh. - Ông Bùi Đức Rô, Phó Trưởng Công an TP Đà Lạt, cho biết thi thể ba du khách gặp nạn vẫn mặc áo phao. Nguyên nhân ban đầu được xác định các nạn nhân bị trượt chân ngã xuống thác. - Sáng 27-2, Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp khẩn cấp. Mục đích của cuộc họp khẩn cấp này là để cảnh báo, buộc các đơn vị kinh doanh du lịch rà soát lại tất cả và có văn bản hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh loại hình du lịch thể thao mạo hiểm. Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết sẽ thanh tra toàn diện hoạt động du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. - Ngày 27-2, đoàn cán bộ Lãnh sự quán Anh đã có chuyến thị sát khu vực thác số 4 trong cụm thác thuộc Khu du lịch Datanla, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) để tham gia điều tra vụ ba du khách người Anh bị nạn vào ngày 26-2. CAO DIÊN |