Bom bẩn là gì, nguy hiểm thế nào và ai đã dùng nó?

(PLO)- Bom bẩn là bom thông thường có trộn chất phóng xạ. Hiện tại chưa ghi nhận vụ đánh bom bẩn thành công nào trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày gần đây, Nga đã cáo buộc Ukraine tính sử dụng bom bẩn trên chiến trường để đổ lỗi cho lực lượng Nga gây ra điều này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định đây không phải là nghi ngờ vô căn cứ nhưng chưa đưa ra bằng chứng cụ thể. Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Vasily Nebenzya cũng đã nêu vấn đề này với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, kêu gọi người đứng đầu tổ chức này làm mọi cách để ngăn Ukraine dùng bom bẩn, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Trong khi đó, Ukraine và các nước phương Tây đã bác bỏ cáo buộc này. Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmytro Kuleba khẳng định những cáo buộc của Nga là lời nói dối. Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky tin rằng Nga đã chuẩn bị cho kịch bản này và khẳng định chỉ có Nga mới gây ra mối đe dọa hạt nhân ở châu Âu, theo hãng thông tấn Ukrinform.

Trong một tuyên bố chung ngày 23-10 của Ngoại trưởng Pháp, Anh và Mỹ, cả 3 nước bác bỏ cáo buộc của Nga về việc Ukraine sử dụng bom bẩn và cho rằng Nga đang tạo cớ để làm căng thẳng leo thang, theo hãng tin Reuters.

Bom bẩn là gì?

Về cơ bản, bom bẩn là bom dùng chất nổ thông thường, như thuốc nổ và được trộn thêm các vật liệu phóng xạ, sinh học hoặc hóa học và những vật liệu này sẽ phát tán trong vụ nổ, theo hãng tin AFP.

Khi được trộn vật liệu phóng xạ, chẳng hạn như uranium, thì về mặt kỹ thuật, bom bẩn được gọi là thiết bị phân tán phóng xạ (RDD). Thông thường, khi nhắc đến bom bẩn là nhắc đến bom được trộn vật liệu phóng xạ.

Lính Ukraine dò mìn ở làng Hrakove, tỉnh Kharkiv (Ukraine) hôm 13-10. Ảnh: AP
Lính Ukraine dò mìn ở làng Hrakove, tỉnh Kharkiv (Ukraine) hôm 13-10. Ảnh: AP

Vật liệu phóng xạ được sử dụng trong quả bom không cần là chất phóng xạ tinh chế cao như nguyên liệu làm bom hạt nhân mà có ​​thể được lấy từ các nguồn phóng xạ được sử dụng trong y học, công nghiệp hoặc từ các cơ sở nghiên cứu. Điều này làm cho chúng rẻ hơn và chế tạo nhanh hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân, theo đài BBC.

Ông Scott Roecker, Phó chủ tịch chương trình an ninh vật liệu hạt nhân tại tổ chức phi lợi nhuận Nuclear Threat Initiative có trụ sở tại Mỹ, cho biết: “Một quả bom bẩn thực sự rất dễ chế tạo…Đó là một thiết bị thô sơ”. Khi kích nổ bom bẩn thì lượng chất phóng xạ bị phát tán tuy nguy hiểm nhưng chưa chắc gây chết người, theo Guardian.

Bom bẩn có thể gây ra hậu quả gì?

Một quả bom bẩn có sức hủy diệt thấp hơn nhiều so với một thiết bị hạt nhân như bom nguyên tử hoặc bom nhiệt hạch, bởi phản ứng phân hạch hoặc nhiệt hạch của những loại bom này tạo ra sự hủy diệt lớn trên phạm vi rộng.

Con số thương vong và mức độ thiệt hại của bom bẩn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất là khối lượng và loại chất nổ thông thường được sử dụng, bởi những yếu tố này quyết định độ lớn của vụ nổ. Khối lượng và loại vật liệu phóng xạ được giải phóng là yếu tố thứ hai. Ngoài ra còn có điều kiện thời tiết, đặc biệt là gió tại thời điểm bom phát nổ cũng quyết định phạm vi, mức độ ảnh hưởng của vụ nổ ra sao.

Hầu hết các quả bom bẩn sẽ không tạo ra đủ chất phóng xạ để gây chết người hay gây bệnh nặng. Đài BBC lý giải rằng để chất phóng xạ trong một quả bom bẩn có thể phân tán khắp vùng mục tiêu thì phải được chế tạo thành dạng bột. Tuy nhiên, nếu các hạt quá mịn hoặc gặp gió mạnh thì chúng sẽ phân tán quá rộng và không gây hại nhiều.

Lính Ukraine ở làng Hrakove, tỉnh Kharkiv (Ukraine) lấy được đạn dược của quân Nga hôm 13-10. Ảnh: AP

Lính Ukraine ở làng Hrakove, tỉnh Kharkiv (Ukraine) lấy được đạn dược của quân Nga hôm 13-10. Ảnh: AP

Mức độ tiếp xúc với bức xạ thấp thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Mọi người có thể không biết liệu họ đã bị phơi nhiễm hay chưa vì không thể nhìn, ngửi hay nếm bức xạ.

Bom bẩn nguy hiểm như thế nào?

Thực ra, ảnh hưởng lớn nhất của bom bẩn là về tâm lý, gây hoảng loạn cho người dân nhiều hơn là sức công phá của nó. Đó là lý do tại sao những thiết bị như vậy thường được gọi là “vũ khí gây rối loạn hàng loạt”.

Ông Roecker cho rằng bom bẩn không phải để sử dụng trên chiến trường hay triển khai ở các khu vực đô thị. Ông nói: “Chúng giống một vũ khí tâm lý hơn. Khi quý vị cố gắng đe dọa khiến mọi người sợ hãi, quý vị sẽ sử dụng một vũ khí như thế này”.

Theo chuyên gia Roecker, bom này nguy hiểm nếu người ở gần vụ nổ hít phải chất phóng xạ. Tuy nhiên, ông cho rằng khi chất phóng xạ lan ra trong khí quyển thì nó trở nên “mỏng” hơn và do đó ít gây hại hơn.

Các yếu tố cần bàn đến khi có người tiếp xúc với chất phóng xạ là loại chất đó là gì, tiếp xúc với chất đó bao lâu và liệu chất này có được hấp thụ qua da, qua đường hô hấp hay qua đường miệng hay không.

Cần có thiết bị chuyên dụng để phát hiện bức xạ. Những ngôi nhà, cơ sở kinh doanh và dịch vụ công bị ô nhiễm có thể bị cấm trong nhiều tháng và đòi hỏi phải được dọn dẹp công phu, tốn nhiều tiền bạc.

Có vụ tấn công bằng bom bẩn nào trong lịch sử chưa?

Theo đài BBC, chưa có một vụ đánh bom bẩn nào thành công trên thế giới. Tuy nhiên, đã có những người cố gắng chế tạo và sử dụng nó.

Ví dụ, năm 1996, phiến quân cộng hòa Chechnya (thuộc Nga) đã chế tạo một quả bom có ​​chứa thuốc nổ và đồng vị phóng xạ caesium-137 tại Công viên Izmailovo ở thủ đô Moscow. Đồng vị caesium-137 này đã được lấy từ thiết bị điều trị ung thư. Tuy nhiên lực lượng chức năng đã phát hiện và gỡ được quả bom này.

Năm 1998, cơ quan tình báo của Chechnya đã tìm thấy và tháo gỡ một quả bom bẩn được đặt gần một tuyến đường sắt.

Năm 2002, Jose Padilla, một công dân Mỹ có liên hệ với nhóm khủng bố al-Qaeda, bị bắt tại TP Chicago (Mỹ) với cáo buộc lên kế hoạch thực hiện một vụ đánh bom bẩn. Sau đó người này bị tuyên án 21 năm tù.

Hai năm sau, Dhiren Barot, quốc tịch Anh và là thành viên của al-Qaeda, bị bắt tại London và nhận án tù 30 năm vì âm mưu tấn công khủng bố ở Mỹ và Anh, trong đó có âm mưu sử dụng bom bẩn.

Tuy nhiên, Jose Padilla và Dhiren Barot chưa chế tạo bom bẩn lúc bị bắt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm