Nga, NATO tích cực liên lạc giữa nỗi lo hạt nhân

(PLO)- Việc Nga và nhiều nước NATO tích cực liên lạc trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nỗi lo hạt nhân đang gia tăng khi chiến sự Ukraine ngày càng leo thang.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong tuần qua liên tiếp điện đàm với những người đồng cấp một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình xung đột với Ukraine. Trong số này, Nga đã gọi cho Mỹ đến hai lần chỉ trong ba ngày. Các cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh chiến sự đang diễn biến căng thẳng ở thực địa Ukraine.

Mỹ, Anh, Pháp ủng hộ giảm xung đột

Trong các cuộc điện đàm, Bộ trưởng Shoigu cảnh báo tình hình ở Ukraine có “xu hướng leo thang vượt kiểm soát” đồng thời chia sẻ nỗi lo ngại của Nga rằng Kiev có thể chuẩn bị cho hành động khiêu khích, khả năng sử dụng “bom bẩn” ở Ukraine - một thiết bị nổ được tẩm chất phóng xạ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (phải) trong một phiên làm việc ở thủ đô Moscow hồi tháng 6. Ảnh: AP

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (phải) trong một phiên làm việc ở thủ đô Moscow

hồi tháng 6. Ảnh: AP

Về phần các nước phương Tây, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Ben Wallace đảm bảo với Bộ trưởng Shoigu rằng Ukraine sẽ không leo thang xung đột. Ông Wallace khẳng định Anh “mong muốn làm giảm leo thang xung đột”, nhấn mạnh Ukraine và Nga phải tìm kiếm giải pháp hòa bình và Anh sẵn sàng hỗ trợ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có quan điểm tương tự và “tái khẳng định giá trị của việc các bên tiếp tục đối thoại”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cũng khẳng định mong muốn một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Lecornu cho biết thêm ông đã sớm lên kế hoạch cho các cuộc thảo luận với người đồng cấp Ukraine Oleksii Reznikov.

Khẳng định ủng hộ đối thoại tìm kiếm hòa bình, song ba nước Mỹ - Anh - Pháp ngày 23-10 cùng ra tuyên bố chung khẳng định tiếp tục thực hiện các cam kết ủng hộ và viện trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. “Các ngoại trưởng Pháp, Anh và Mỹ nhắc lại sự ủng hộ kiên định đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Ukraine để bảo vệ lãnh thổ của mình trong thời gian cần thiết” - hãng tin Reuters dẫn nội dung tuyên bố chung của ba nước.

Mỹ - Anh - Pháp cũng bác bỏ cáo buộc của Nga rằng Ukraine có thể sắp triển khai một loại “bom bẩn” phóng xạ, đồng thời cảnh báo Nga rằng thế giới sẽ không chấp nhận Moscow dùng lý do này để leo thang căng thẳng.

Chiến sự ở Ukraine đến ngày 24-10 đã bước sang tháng thứ chín. Ukraine gần đây đẩy mạnh phản công dọc chiến tuyến và đã tái kiểm soát hàng ngàn km2 diện tích ở Kharkiv, Kherson và cả Donetsk nhưng hứng chịu thiệt hại nặng nề về nhân lực. Sau khi sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk, Nga đang nỗ lực thiết lập các tuyến phòng thủ trước đà phản công của Ukraine.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nồng ấm

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không công bố nhiều thông tin liên quan nội dung cuộc điện đàm giữa ông Shoigu và người đồng cấp Hulusi Akar. Tuy nhiên, theo thông tin từ hãng AFP, trong cuộc điện đàm ông Shoigu tiếp tục cảnh báo rằng tình hình chiến sự đang vượt tầm kiểm soát và hai bên đồng ý cần tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Đáng chú ý, ngày 23-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định lập trường trung lập, đứng ngoài cuộc xung đột đang diễn ra ở Đông Âu. Nhà lãnh đạo này lên tiếng chỉ trích những bên có trường phái đối lập và kêu gọi cần một chính sách cân bằng với cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Erdogan nhắc lại quan điểm rằng việc từ chối đối thoại với một trong các bên xung đột sẽ đẩy hàng loạt quốc gia châu Âu vào khủng hoảng năng lượng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng nước này sẽ không phải đối mặt với bất kỳ vấn đề nào với việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga trong mùa đông này nhờ giữ thái độ trung lập.

Hiện chưa có dấu hiệu các cuộc đối thoại giữa Nga và các nước NATO sẽ đưa tới kết quả tích cực nào. Tuy nhiên, theo Reuters, các cuộc điện đàm giữa Nga và các đại diện quân sự của NATO là tín hiệu đáng mừng, cho thấy hai bên vẫn tích cực duy trì các kênh liên lạc vào thời điểm quốc tế lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine ngày càng leo thang khó lường.•

Ukraine bác bỏ thông tin sử dụng “bom bẩn”

Phát biểu trước toàn dân ngày 23-10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ cáo buộc từ phía Nga rằng Ukraine đang chuẩn bị triển khai “bom bẩn”.

“Nếu Nga gọi điện thoại và nói rằng Ukraine được cho là đang chuẩn bị một cái gì đó thì điều này có nghĩa là Nga đã chuẩn bị tất cả thứ đó. Tôi tin rằng đã đến lúc thế giới nên phản ứng quyết liệt nhất có thể” - ông Zelensky nói, đồng thời kêu gọi quốc tế có hành động thống nhất trước cáo buộc từ Nga, theo đài CNN.

Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng bác bỏ tuyên bố từ phía Nga, gọi đây là một cáo buộc “vô lý” và “nguy hiểm”. “Ukraine là một thành viên NPT (Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân). Chúng tôi không có bất kỳ “bom bẩn” nào và cũng không có kế hoạch mua bất kỳ quả bom nào như vậy” - ông Kuleba nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm