Đến sáng 14-11, các ngành chức năng huyện Chợ Lách và tỉnh Bến Tre vẫn đang tích cực huy động mọi lực lượng, phương tiện khắc phục khẩn cấp sự cố sạt lở đê ở cồn Phú Đa, đồng thời giúp người dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Chính quyền giúp người dân sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Cùng ngày, Hội Chữ thập đỏ huyện Chợ Lách đã đến trực tiếp vùng sạt lở cứu trợ khẩn cấp 26 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở tại cồn Phú Đa, mỗi phần quà trị giá khoảng 300.000 đồng.
Chị Ngô Thị Hương, 40 tuổi, ở cồn Phú Đa, cho biết vụ sạt lở đã khiến gia đình chị và ba hộ dân cùng cảnh ngộ đã phải lâm cảnh màn trời chiếu đất. Theo lời chị Hương kể, sạt lở xảy ra vào khoảng 18 giờ chiều 13-11. “Lúc đó gia đình tôi đang ở trong nhà, nghe một người hàng xóm đi đò trên sông Cổ Chiên báo là nhà sắp sập rồi. Lúc đó cả nhà tôi hoảng loạn chạy ra ngoài khoảng vài phút thì căn nhà đã bị đổ nhào xuống sông, cuốn trôi hết tài sản” - chị Hương kể.
Chị Ngô Thị Hương vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự cố bị sụp nhà. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Chị Hương nói gia đình khó khăn, chị làm nghề buôn bán nhỏ, chồng chị chạy xe ôm tích cóp được số tiền gần 300 triệu xây căn nhà mới xong, chưa hết nỗi mừng vui chuẩn bị dọn về nhà mới thì căn nhà đã đổ sụp xuống sông. Cùng cảnh ngộ như trên, ba hộ dân khác sống ven đê sông Cổ Chiên trên cồn Phú Đa nhà cũng bị sụp hết xuống sông, không kịp di dời tài sản. Hộ bà Phạm Thị Hóa, 66 tuổi, ở cồn Phú Đa, cho biết vụ sạt lở đã làm hai căn nhà của hai người em trai của bà Hóa trôi hết xuống sông. Hiện căn nhà của bà Hóa cũng đang bị sạt lở, buộc phải tháo dỡ.
Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng tại cồn Phú Đa. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Ông Phạm Hoàng Hiệp, Bí thư Huyện ủy Chợ Lách, cho biết ngay sau khi xảy ra sạt lở, huyện đã huy động mọi lực lượng và phương tiện tại chỗ khẩn cấp hỗ trợ sơ tán 10 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở. “Riêng đối với bốn hộ bị sụp nhà hoàn toàn, trước mắt lực lượng sẽ hỗ trợ những hộ này di chuyển tài sản còn lại về nhà người thân, sau đó huyện sẽ tính toán hỗ trợ những hộ bị thiệt hại này theo chính sách hỗ trợ thiên tai theo quy định pháp luật” - ông Hiệp nói.
Lực lượng và phương tiện khắc phục sự cố sạt lở nghiêm trọng tại Phú Đa. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Theo ông Hiệp, trên cồn Phú Đa hiện có 700 hộ dân với khoảng 2.100 nhân khẩu sinh sống. Từ trước tới nay tại cồn Phú Đa chưa từng xảy ra sự cố sạt lở nào nghiêm trọng như lần này. “Hiện tại huyện và tỉnh cũng đang huy động mọi lực lượng và phương tiện làm việc 24/24 giờ trong ngày và đêm nay đảm bảo gia cố, khắc phục hoàn thành tuyến đê bị vỡ, đảm bảo ngăn đợt triều cường sắp tới, ngăn không cho triều cường xâm nhập diện tích đất nông nghiệp của người dân” - ông Hiệp cho biết.
Người dân tò mò kéo đến xem vụ sạt lở. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Được biết trước khi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng trên, cũng tại cồn Phú Đa vào chiều 12-11 đã xảy ra tình trạng vỡ đê tại khu vực tổ 15 ấp Phú Bình. Đoạn sạt lở dài khoảng 50 m, chiều sâu sạt lở 8 m, bề rộng 10 m, khoét hàm ếch sâu vào trong chân đê.
Vụ sạt lở này không gây thiệt hại về người nhưng làm một ngôi nhà buộc phải di dời khẩn cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến 10 tổ nhân dân tự quản với 700 hộ dân. Đồng thời, chia cắt giao thông tuyến từ bến đò Mỹ An đi Phú Đa - Phú Bình. Ngay khi sự cố xảy ra, huyện chỉ đạo địa phương tập trung lực lượng khẩn trương khắc phục sự cố.