Thiết bị quân sự bao gồm máy bay chiến đấu, trực thăng và tên lửa đã mang lại nguồn thu lớn cho Tập đoàn Boeing cùng nhiều doanh nghiệp lớn khác của Mỹ.
Hợp đồng lớn nhất trị giá 3,51 tỉ USD là hợp đồng bán cho Saudi Arabia 48 máy bay trực thăng vận tải CH-47F Chinook cùng các động cơ thay đổi và súng máy. Các tập đoàn Boeing và Honeywell Aerospace phụ trách cung cấp hợp đồng này. Khoảng 60 người trong lĩnh vực công và tư sẽ phụ trách bảo trì thiết bị tại Saudi Arabia.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã ký hợp đồng 3,5 tỉ USD mua 27 máy bay trực thăng chiến đấu AH-64E Apache (ảnh) do Boeing và Lockheed Martin sản xuất. Ngoài ra, Qatar đã đặt hàng tám máy bay vận tải C-17 và phụ tùng rời trị giá 781 triệu USD. Cuối cùng là Morocco đã mua 1.200 tên lửa chống tăng TOW 2A trị giá 108 triệu USD do Raytheon sản xuất.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua bốn hợp đồng trên sau khi tham vấn Lầu Năm Góc. Về lý thuyết, Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể bác bỏ các hợp đồng này. Bốn nước mua hàng lâu nay từng mua vũ khí Mỹ, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất bị chỉ trích vì can thiệp vào nội chiến Yemen.
Trong khi đó, CNN đưa tin cùng ngày 8-12, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama đã quyết định Mỹ sẽ không bị hạn chế cung cấp các dịch vụ quốc phòng cho các tay súng nước ngoài ở Syria ủng hộ chiến dịch chống khủng bố của Mỹ tại Syria.
Ông Obama đánh giá lợi ích an ninh của Mỹ là chủ yếu, do đó cần áp luật luật trừ trong xuất khẩu vũ khí. Các đối tượng liên quan gồm các lực lượng nước ngoài không chính quy và các nhóm hoặc cá nhân ủng hộ và yểm trợ chiến dịch của Mỹ ở Syria.
Bộ Ngoại giao sẽ làm việc với Quốc hội về vấn đề nêu trên và lập báo cáo đề nghị xuất khẩu vũ khí trong thời hạn 15 ngày. Chỉ thị của Tổng thống Obama sẽ tạo cơ hội để Mỹ cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy chống chính phủ ở Syria.