Trong bản báo cáo dài 11 trang màu hồng, VPF loan tin AFC đã bình chọn Việt Nam nằm trong tốp 10 các giải đấu phát triển nhất châu Á.
VPF không quên ngợi ca những thành tựu mới về lượng khán giả đến sân đông hơn mùa trước, hay nhiều trận đấu có nhiều bàn thắng đẹp,… bên cạnh vô số tồn tại cũ như công tác trọng tài, lỗi phản ứng thái quá của cầu thủ, HLV, lãnh đội, lỗi xâm phạm thân thể hay vấn nạn đốt pháo sáng.
Duy có một bí mật lần đầu tiên Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh bật mí rằng chỉ có năm CLB đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp mới có điều kiện tham gia các giải đấu do AFC tổ chức.
Ai cũng ngỡ ngàng với con số 5/24 CLB ở các giải chuyên nghiệp Việt Nam đã lên 18 tuổi vẫn còn dai dẳng trong thời kỳ quá độ. Thật lạ lùng cho những giải đấu mang danh chuyên nghiệp mà phần lớn đội bóng vẫn còn nghiệp dư thì cơ sở nào để lọt vào tốp 10 châu Á?
Trong số 24 đội ở các giải chuyên nghiệp Việt Nam, chỉ có năm CLB đủ chuẩn chuyên nghiệp. Ảnh: HUY PHẠM
Có một chi tiết ông Hoài Anh nhắc đi nhắc lại rằng VFF không thể cấp phép chuyên nghiệp cho các CLB vì các tiêu chí của AFC rất khắt khe. Nếu họ phát hiện việc thừa nhận chuyên nghiệp “lậu” sẽ phạt VFF rất nặng. Nó cũng là nguyên cớ khiến AFC từng từ chối cho nhà vô địch V-League 2017 Quảng Nam đá giải cúp của mình do không đủ chuẩn, hay trước đó Than Quảng Ninh, Hà Nội từng bị khước từ bởi lý do tương tự.
Từ sự nghiệp dư của rất nhiều CLB đang chơi giải chuyên nghiệp Việt Nam, người ta càng thấy rõ hơn sự dễ dãi của các nhà quản lý và điều hành khi chấp nhận cho những đội chưa hội đủ điều kiện nhập cuộc. Nó dẫn đến mô hình các giải chuyên nghiệp Việt Nam như siêu mẫu lại chẳng giống ai khi V-League có đến 14 đội, hạng nhất có 10 đội, còn hạng nhì có 13 đội, thay vì phát triển theo hình kim tự tháp.
Mong muốn các CLB hoàn thiện để trở thành chuyên nghiệp thì những nhà làm bóng đá phải chuyên nghiệp trước đã!