Tuyển Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều đặt mục tiêu giành vé dự World Cup khi cả 3 đội lọt vào vòng loại thứ ba khu vực châu Á trong 3 lần gần đây nhất. Nhưng cách làm hiện tại của bóng đá Indonesia cho thấy sự tư duy, phân tích kỹ lưỡng, cân nhắc cực chuẩn và rút ra bài học từ những thất bại của tuyển Việt Nam và Thái Lan để hướng đến mục tiêu World Cup 2026.
Chuyện tiền đạo Công Phượng của Việt Nam rời Yokohama FC về nước sau hai năm dự bị, chuyện nhiều cầu thủ Thái Lan như Chanathip, Dangda, Theerathon, Suphachai, Thitiphan... sang Nhật Bản đá cho các CLB thuộc J-League là những điều khiến bóng đá Indonesia phải nghiên cứu, suy tính trong canh bạc lớn mà họ đang đi đúng hướng.
Bài học từ tuyển Việt Nam và Thái Lan
Gần ba thập niên qua, các tỉ phú Thái Lan sở hữu các CLB Anh, trong đó có các CLB Premier League như Man. City (tỉ phú Thaksin), Leicester City (cố tỉ phú Vichai) và những CLB hạng nhất khác của Anh. Các tỉ phú Thái Lan rất có tâm với bóng đá nước nhà bằng việc hàng năm tuyển chọn hơn chục tài năng trẻ sang Anh đào tạo chuyên sâu để mang về cho bóng đá Thái Lan những “hạt giống tốt”, những tài năng với mục tiêu rời khỏi “ao làng” Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Thái Lan nói chung và các thương hiệu lớn của Thái Lan nói riêng cũng có ảnh hưởng trong làng bóng đá Anh thông qua nhiều hoạt động, nhưng qua ba thập niên, bóng đá Thái Lan vẫn thất bại trong việc “bơi ra biển lớn”.
Vòng loại thứ ba World Cup 2018, giữa lúc tuyển Thái Lan “làm trùm” Đông Nam Á nhưng gặp những đối thủ lớn châu Á là họ toàn thua thảm. Thai-League là giải chất lượng nhất Đông Nam Á, cầu thủ Thái Lan có số lượng thành công ở J-League 1 nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng đội tuyển Thái Lan vẫn thể vươn mình như mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, tuyển Việt Nam từng có khoảng thời gian dài dẫn đầu khu vực Đông Nam Á bằng những ngôi vô địch AFF Cup, SEA Games thậm chí đội trẻ U-23 từng á quân châu Á thời HLV Park Hang-seo, nhưng rồi cũng về chót bảng B, giai đoạn ba vòng loại World Cup 2022.
Nhiều tuyển thủ Việt Nam như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Hậu, Quang Hải từng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp nhưng đều không thể có suất đá chính. Công Phượng vừa rời Nhật Bản sau hai mùa mài đũng quần trên băng ghế dự bị của đội J-League 2 là Yokohama FC. Công Phượng là ngôi sao tiền đạo của bóng đá Việt Nam, khỏe, kỹ thuật, tố chất đều hoàn hảo và đặc biệt được đào tạo căng cơ, bài bản mà không đá nổi ở J-League 2 thì lấy gì làm cơ sở đưa bóng đá Việt Nam dự World Cup?
Vài năm trở lại đây, làn sóng cầu thủ Việt kiều (chủ yếu mang hai dòng máu châu Âu và Việt Nam) khoác áo tuyển Việt Nam đang rộ lên. 2 thủ môn Đặng Văn Lâm và Nguyễn Filip được vào đội tuyển, nhưng 2 thủ môn này chất lượng không cao bởi đơn giản họ khoác áo các CLB đá V-League thì không thể có chuyên môn tốt được. Các cầu thủ mang hai dòng máu muốn về Việt Nam thì cũng có hoàn cảnh tương tự, chuyên môn không cao.
Tất cả những thứ đấy đều là những bài học kinh nghiệm quý báu giúp bóng đá Indonesia đi con đường khác nhằm tiếp cận tấm vé World Cup 2026 mà họ đang rất sáng cửa.
Indonesia “tránh vết xe đổ” của tuyển Việt Nam và Thái Lan
Dễ thấy tuyển Thái Lan cũng có rất nhiều cầu thủ mang hai dòng máu như trung vệ Elias Doloh, Jonathan Khemdee, Manuel Bihr, trước đây có Tristan Do... nhưng họ quay về khoác áo các CLB Thái Lan nên chất lượng cũng không có sự khác biệt nhiều so với cầu thủ nội, còn ở châu Âu thì không họ có cửa.
Tương tự như thế là Việt Nam, hãy thử tưởng tượng trình độ chuyên môn như Đặng Văn Lâm và Nguyễn Filip làm gì có cửa chơi những giải mạnh ở châu Âu?
Và tất nhiên bóng đá Indonesia đã nhìn thấy bài học lớn từ Thái Lan và Việt Nam. HLV Shin Tae-yong của tuyển Indonesia là một nhà chuyên môn giỏi, tên tuổi của ông đã được khẳng định qua World Cup 2018 khi Hàn Quốc đánh bại Đức 2-0.
Với một nhà chiến lược, nhà chuyên môn cỡ như HLV Shin Tae-yong thì rõ ràng ông dễ rút ra một cái nhìn bao quát về khả năng của cầu thủ Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng để có cách tận dụng ngoại lực một cách hiệu quả nhất.
Tận dụng ngoại lực kiểu Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines có bản chất giống nhau, đó là cầu thủ mang hai dòng máu, nhưng khác biệt lớn là ở chỗ, những cầu thủ này không thể đá ở châu Âu nên về nước tìm cơ hội.
Còn Indonesia tận dụng ngoại lực cũng là những người con mang hai dòng máu nhưng lại đang khoác áo và ra sân thường xuyên ở các giải mạnh châu Âu, từ đó tạo ra một đội tuyển chất lượng.
Hãy nhìn làn sóng nhập tịch của đội tuyển Indonesia, tất cả họ đều có mang trong mình dòng máu Indonesia nhưng lại đang đá các giải Âu-Mỹ nên chuyên môn của họ rất cao. Thử điểm qua vài gương mặt như trung vệ Jay Idzes đang đá Venezia của Serie A, thủ môn Maarten Paes đang chơi cho Dallas FC của Mỹ, thủ môn Emil chơi cho Como, Nathan Tjoe Aon ở Swansee, Elkan Baggott tại Blackpool và hàng loạt cầu thủ khác đang chơi bóng ở Hà Lan. Chất lượng cầu thủ như thế tất nhiên Indonesia dễ tiếp cận với tấm vé World Cup 2026 khi niềm tin hiện thực hóa giấc mơ của họ đã có bằng việc hòa với 2 đội bóng cực mạnh là Saudi Arabia và Úc…