Giám đốc Trung tâm TDTT Quận 1 (TP.HCM) Trần Anh Tuấn:

Bóng đá nữ thiếu cả thầy lẫn thợ

Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1 Trần Anh Tuấn là một trong những người tiên phong làm bóng đá nữ cùng ông Trần Thanh Ngữ từ năm 1992. Sáu năm sau, ông Tuấn làm trợ lý của HLV Giả Quảng Thác dẫn dắt tuyển nữ tham dự ASIAD và vẫn luôn đau đáu với phong trào bóng đá nữ Việt Nam.

Không đầu tư, lấy đâu quả ngọt?

Ông Tuấn chỉ vào chiếc ghế trong phòng làm việc và không cần rào trước đón sau: “Tôi không sợ mất ghế và không phải vì dậu đổ bìm leo mà thực sự tôi rất muốn chia sẻ về những nỗi xót xa của mình khi chứng kiến thất bại của tuyển nữ Việt Nam. Thú thật trong nhiều cuộc họp của bóng đá nữ, tôi rất nhiều lần đóng góp ý kiến nhưng rốt cuộc không cải thiện được điều gì. Ai cũng thấy bóng đá nữ Việt Nam sa sút lắm rồi và nhân thời cơ ngàn năm có một lấy vé World Cup cứ gắng gượng thổi phồng lên sự kiện mà cố tình không biết trong tay mình có gì.

20 năm qua, bóng đá nữ Việt Nam có thay đổi gì đâu. VFF mỗi mùa chỉ biết tổ chức giải, theo kiểu đến hẹn lại lên, gom quân đá mấy trận rồi ai về nhà nấy. Họ hầu như không lắng nghe và quan tâm các địa phương làm bóng đá nữ ra sao, lấy gì mà kêu gọi nhân rộng phong trào?

Tôi ví dụ hai năm trước chúng tôi từng có đơn xin không tập trung cầu thủ Chương Thị Kiều đá giải U-19 Đông Nam Á, họ vẫn bắt đi. Hậu quả là cháu bị chấn thương đứt dây chằng, mất luôn cái SEA Games.

HLV Trần Vân Phát và các học trò đã nỗ lực hết mình nhưng lực bất tòng tâm. Phần còn lại, VFF đã làm gì cho bóng đá nữ phát triển. Ảnh: QUANG THẮNG

Hồi chúng tôi làm bóng đá nữ ở quận 1 sau này là nòng cốt của tuyển quốc gia, các HLV phải đi lùng sục khắp nơi. Mấy ai biết bọn tôi tìm Lưu Ngọc Mai ở sân đá phủi, tuyển Kim Chi ở sân điền kinh, rồi Kim Hồng đá tiền vệ trụ bị đau gối, chúng tôi huấn luyện em thành thủ môn giỏi… Giờ đào đâu ra những tài năng kế thừa như thế? Ý tôi muốn nói cái khổ của các CLB bóng đá nữ là luôn phải tự thân vận động mà không được VFF hỗ trợ gì nên dần dần anh em nản không muốn làm. Đến cả công tác đào tạo HLV chuyên trách bóng đá nữ, VFF cũng không có.

Tôi khẳng định VFF hầu như không đầu tư cho bóng đá nữ, không gieo suốt một thời gian dài thì gặt đâu ra quả ngọt? HLV Trần Vân Phát có giỏi cỡ nào thì vẫn bất lực bởi ông không thể tìm ra cái mới cả về nhân tố con người lẫn bài bản mới cho các học trò.

Thua từ trứng nước

Ông Trần Anh Tuấn chỉ ra những nguyên nhân khiến bóng đá nữ thất bại ngay trên sân nhà ở vòng chung kết Asian Cup: “Tôi rất ngạc nhiên không hiểu ai mới là nhà cầm quân thực sự của đội tuyển, ông Trần Vân Phát hay ông Vũ Bá Đông?”.

Suốt cả bốn trận đấu, có ai thấy ông Phát đứng ra chỉ đạo cầu thủ trên sân? Thật lạ khi có người hỏi tôi vì sao ông HLV trưởng thì ngồi bó gối trong khu vực kỹ thuật, chỉ có mỗi ông trợ lý đứng chỉ trỏ suốt trận, không thấy họ trao đổi gì cả.

Điều này với tôi lại không lạ, như hồi năm 1998, tôi đã thấy Thái Lan và các cường quốc có một dàn trợ lý huấn luyện khủng khiếp. Mỗi người có nhiệm vụ ghi chép lại thông số kỹ thuật của từng cầu thủ cả của mình lẫn đối thủ. Sau đó, họ họp chuyên môn và đưa ra nhiều ý kiến rất xác đáng để cùng thống nhất phương án tác chiến. Lần đó, có quan chức trách tôi sao không sôi nổi vực dậy tinh thần cho cầu thủ, tôi chỉ nói có mỗi mình tôi vỗ tay sao cho kêu.

Lần này, cả một quá trình dài chuẩn bị cho vòng chung kết Asian Cup, tuyển nữ Việt Nam chẳng có biến chuyển gì cả. Vẫn mỗi ông Vũ Bá Đông chỉ đạo suốt trận trong khi trợ lý này chỉ là HLV của đội Hà Nội II, mùa nào cũng đứng nhất nhì bảng từ dưới đếm lên.

Suốt cả bốn trận đấu, tuyển nữ Việt Nam gặp các đối tượng khác nhau cũng chỉ một cách chơi. Điều này không khó cho Thái Lan bắt bài mình. Chẳng hạn, những bàn thua thường bị khai thác ở góc trái và hai bàn thua trận gặp Thái Lan là lặp lại tử huyệt từng phải nuốt hận ở SEA Games. Tôi không hiểu sao trận gặp Nhật mình biết ở thế dưới cơ vậy mà không dưỡng sức các trụ cột trong khi thủ môn Kiều Trinh bị quá tải vẫn không dám thay bằng Tuyết Mai trận gặp Thái Lan?

Theo tôi, trận thua Thái Lan và không có suất World Cup hóa ra lại hay hơn cho VFF nhìn nhận lại mình để đầu tư bài bản cho bóng đá nữ, hơn là mỗi lần ra sân đều chỉ mong chờ vào sự may mắn.

CÔNG TUẤN thực hiện

 

“Quan chức Việt Nam ở AFC nhiều mà không can thiệp đòi lại cái đúng cho bóng đá Việt Nam là thế nào?”

Ông Trần Anh Tuấn bày tỏ sự thất vọng về việc có rất nhiều quan chức VFF nằm trong ban bệ AFC nhưng lại để mất kiểm soát nhiều thứ. Ông Tuấn dẫn chứng: “Tuyển nữ Việt Nam chuẩn bị gặp Thái Lan thế mà mình chấp nhận cho trọng tài nữ người Thái Lan Pannipar Kanueng đều khiển trận gặp Úc. Người ta có chuyên nghiệp, có công tâm cỡ nào thì cũng không ai dại gì chọn cách thổi cho lợi cho đối thủ của đội bóng họ. Cả một giải đấu châu Á mà không tìm ra một trọng tài khác thay thế trọng tài người Thái Lan bắt trận này thì VFF có nói gì cũng là ngụy biện”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm