Hôm thứ Tư (8-7), ông Vieira đã phát biểu rằng Brazil “xem việc trừng phạt đơn phương (chống lại Nga) là một công cụ có nhiều vấn đề về tính hợp pháp”. Ông giải thích rằng Brazil không công nhận bất kỳ hành động trừng phạt nào nằm ngoài khuôn khổ pháp lý của Liên Hợp Quốc.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi không công nhận hoặc hỗ trợ chúng (các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga)… Sự trừng phạt không giúp xây dựng một mối quan hệ tin cậy giữa các bên nhằm đưa ra một giải pháp chính trị hòa bình cho vấn đề (Ukraine) và cản trở việc nối lại tăng trưởng kinh tế trong khu vực”.
Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira phát biểu rằng Brazil không công nhận các biện pháp trừng phạt đối với Nga
Theo Ngoại trưởng Brazil, một cuộc đối thoại chính trị là phương tiện hiệu quả nhất để giải quyết bất cứ cuộc xung đột nào.
Cuộc xung đột tại Ukraine leo thang vào tháng 4-2014, khi Kiev phát động một hoạt động quân sự ở khu vực phía Đông Nam đất nước trong một nỗ lực nhằm đàn áp những người ủng hộ độc lập tại địa phương – những người không muốn công nhận chính phủ đảo chính mới.
Phương Tây đã cáo buộc Moscow hỗ trợ lực lượng chiến đấu độc lập tại Đông Nam Ukraine, mặc dù trên thực tế không có bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh lời tuyên bố. Để trừng phạt Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và các đồng minh đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt kinh tế để chống lại Nga.
Nga đã nhiều lần bác bỏ sự liên quan của mình tại Ukraine và nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt sẽ phản tác dụng trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine và gây tổn hại không chỉ tới quốc gia mục tiêu mà còn tới cả những nước áp dụng biện pháp.
Sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, Moscow đã đẩy mạnh hoạt động với châu Á, Ả Rập và các nước Mỹ Latinh, trong đó có Brazil – một thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, cùng với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.