BS Hoàng Công Lương khẳng định mình vô tội

Ngày 25-5, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ chín. Phiên tòa tiếp tục phần bào chữa, đối đáp giữa các luật sư (LS) và đại diện VKSND. Mở đầu phần bào chữa cho mình, BS Lương gửi lời chia buồn sâu sắc nhất và chia sẻ nỗi đau không thể bù đắp của các gia đình nạn nhân tử vong.

“Bị cáo rất thành khẩn”

Về nội dung truy tố của VKS, BS Lương phản bác toàn bộ và cho rằng mình vô tội. Dẫn chứng cho khẳng định trên, BS Lương cho rằng chưa có văn bản nào của bệnh viện phân công nhiệm vụ cho bị cáo. Đối với quy kết của VKS rằng bị cáo không thành khẩn khai báo, BS Lương nhấn mạnh: “Thực tế bị cáo rất thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra nên đề nghị HĐXX xem xét một cách khách quan nhất…”.

Tiếp lời BS Lương, LS Nguyễn Văn Chiến (bào chữa cho BS Lương) khẳng định cáo buộc của VKS không có căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học. Cụ thể, bị cáo chỉ thừa nhận được giao nhiệm vụ chữa bệnh và quản lý chuyên môn nhưng phủ nhận được giao nhiệm vụ quản lý đơn nguyên thận nhân tạo (khoa Hồi sức tích cực).

LS lấy dẫn chứng việc điều tra viên có ghi thêm vào biên bản lời khai của BS Lương về nhiệm vụ quản lý. Tuy nhiên, khi xem lại, bác sĩ không đồng ý nội dung này nên được xóa đi trong bút lục. Đối với chữ ký trong bản khai lần hai, BS Lương được điều tra viên mớm cung, thông cung bằng việc cho xem sổ ghi chép cuộc họp... Theo đó, bác sĩ xác nhận có cuộc họp này nhưng không hề thừa nhận được giao nhiệm vụ quản lý đơn nguyên chạy thận nhân tạo.

LS cũng lưu ý cuốn sổ ghi chép cuộc họp là sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo bệnh viện mới chỉ đạo bổ sung vào biên bản cuộc họp là giao nhiệm vụ cho BS Lương. Tại phiên tòa, những người này đã thừa nhận việc ghi thêm trên. Như vậy, không hề có văn bản nào chứng minh ông Khiếu giao nhiệm vụ quản lý cho BS Lương. Điều vô lý ở đây, theo LS là mặc dù VKS thừa nhận việc có ghi thêm nhưng đưa ra kết luận không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của BS Lương. Theo LS, đây là lập luận không phù hợp vì đã tạo lập chứng cứ không phản ánh sự thật khách quan.

Bác sĩ Hoàng Công Lương nói mình vô tội. Ảnh: VIẾT LONG

Về trách nhiệm, quy trình, vị LS khẳng định giám đốc bệnh viện đã có quy chế phân công nhiệm vụ. Theo đó, trách nhiệm quản lý thuộc về các trưởng khoa, phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế. Trường hợp phân công quản lý khoa nếu có phải thể hiện bằng văn bản, “không thể vỗ vai giao nhiệm vụ” - LS nhấn mạnh.

Theo LS, đối với chức trách, nhiệm vụ là một người chữa bệnh, BS Lương đã làm hết trách nhiệm của mình và theo kết luận điều tra là không có sai sót. Còn việc giám sát chất lượng nguồn nước nếu có thuộc về phòng Vật tư-Trang thiết bị y tế. Bác sĩ chỉ biết khi nhận được thông báo thiết bị sửa xong đảm bảo thì ra y lệnh, việc này không sai. Vì BS Lương không có lý do gì để yêu cầu dừng chữa bệnh cho bệnh nhân, nếu dừng chữa bệnh nhân nguy kịch thì ai chịu trách nhiệm.

Với phân tích trên, LS khẳng định không có văn bản nào quy định sau khi sửa xong bác sĩ phải kiểm tra. Bên cạnh đó, nếu có thì bằng công cụ nào, “bằng mắt nhìn, mũi ngửi hay nếm thử?” - LS gay gắt.

“VKS viện dẫn văn bản hết hiệu lực”

Theo LS Nguyễn Văn Chiến, việc cơ quan điều tra, VKS không kịp thời cấm xuất cảnh đối với ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc bệnh viện) là sai pháp luật. Tuy nhiên, hôm qua VKS viện dẫn một quy định để chứng minh là đúng nhưng theo LS quy định này đã hết hiệu lực.

“Nghị định 136/2007 hết hiệu lực, thưa VKS. Theo đó, sự ra đời Nghị định 07/2015 của Bộ Công an về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có quy định những người liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng phải cấm xuất cảnh. Nên việc không cấm ông Dương xuất cảnh là sai. Ông Dương không tham gia phiên tòa với tư cách người tham gia tố tụng, việc này gây khó khăn cho việc xét xử…” - LS Chiến khẳng định và đề nghị xem xét trách nhiệm của VKS, cơ quan điều tra.

Bổ sung cho phần bào chữa, LS Lê Văn Thiệp (bào chữa cho BS Lương) cho rằng VKS, cơ quan điều tra vi phạm tố tụng, thông cung, mớm cung khi từ chối yêu cầu thuê LS của bị cáo, cho nhân chứng xem sổ ghi chép cuộc họp mà không để bị cáo tự khai báo. Đặc biệt, bỏ lọt tội phạm, làm mất niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp.

Nêu dẫn chứng việc VKS, cơ quan điều tra đã không xem xét trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện, bỏ qua việc Công ty Thiên Sơn có biểu hiện thông thầu. Vì vậy LS đề nghị HĐXX khởi tố bổ sung vụ án hình sự thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm giả giấy tờ, tài liệu đối với ông Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty Dược phẩm Thiên Sơn) và ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng, đồng thời tuyên vô tội đối với BS Lương. Vị LS vừa ngắt lời, ngay lập tức cả khán phòng vỗ tay.

Bộ Y tế không thể thoái thác trách nhiệm

LS Trần Hồng Phúc (bảo vệ cho BS Lương) cho rằng vụ án còn nhiều góc khuất chưa được xem xét, xử lý. Cụ thể, khi xảy ra sự cố, Bộ Y tế đẩy trách nhiệm cho nhà sản xuất. Trong khi đó, chính cơ quan này đã “bỏ quên” Thông tư 07/2002 về quy định việc nhập khẩu trang thiết bị y tế, chậm ban hành quy trình bảo dưỡng hệ thống thanh lọc nước RO. Cạnh đó, khi được hỏi về quy trình vận hành, giám sát, kiểm tra hệ thống lọc nước RO số 2 thì phúc đáp chưa rõ ràng, thiếu trách nhiệm. “Bộ Y tế phải nhận ra rằng đấy là trách nhiệm của mình trong việc ban hành quy trình kiểm tra, giám sát…” - LS Phúc gay gắt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới