Những vụ tranh chấp tài sản mà đương sự là các thành viên trong một gia đình bao giờ cũng khiến không chỉ những người trong cuộc đau lòng. Bởi bên trong nó còn hàm chứa một sự sứt mẻ tình cảm, một mối quan hệ ruột rà rạn nứt khó có thể nào cứu vãn.
Đứng trước một vụ án như vậy, người thẩm phán không chỉ căn cứ vào pháp luật để đưa ra một phán quyết lạnh lùng. Cách giải quyết vụ án dưới đây khiến không chỉ người trong cuộc sẽ phải suy nghĩ lại mà nó còn để lại bài học làm người nguyên sơ trong mỗi chúng ta.
Cha nằm xuống, con cái đáo tụng đình
Từ trước năm 1975, cụ Hậu thuê căn nhà số 8 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh (TP.HCM) để ở. Đến năm 1982, do bị chủ nhà kiện đòi nhà nên cụ Hậu ủy quyền cho con trai là Nguyễn Hữu Chi Lăng tham gia tố tụng. Năm 1984, chủ nhà cũ đồng ý bán lại căn nhà này cho gia đình cụ với giá 440.000 đồng.
Cụ Hậu qua đời, tám người con đùm bọc nhau chung sống trong căn nhà ấy. Lớn lên, kẻ theo chồng, người lấy vợ, ai mua được nhà riêng thì lần lượt dọn đi... Có hai người lập nghiệp tận bên Mỹ. Trong nhà chỉ còn lại hai gia đình nhỏ của người anh là ông Chi Lăng và người em là bà Nguyễn Hữu Thủy Tiên. Hằng ngày, phần mặt tiền nhà, anh trai bán cơm, em gái bán bún, cùng nhau kiếm kế sinh nhai.
Năm 2004, ông Lăng làm giấy tờ nhà thì bị một người em khác là bà Nguyễn Hữu Thu Lan (đã dọn ra nhà riêng) ngăn cản nên ông khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu nhà với bà Lan. Đồng thời lúc này ông yêu cầu mẹ con bà Tiên phải dọn ra khỏi nhà. Chứng cứ ông nộp cho tòa có tờ giấy tái xác nhận của chủ cũ là đã bán nhà cho ông.
Trong khi đó, phía bà Lan lại cho rằng ngày xưa chủ nhà cũ bán căn nhà này cho cụ Hậu chứ không phải bán cho ông Lăng, việc mua bán có xác nhận của phường. Cụ Hậu đã đưa cho ông Lăng 115.000 đồng để trả trước, sau đó bà Lan trả tiếp 123.000 đồng, phần còn lại do ông Lăng bỏ ra.
Bà Lan cho rằng đây là di sản của cha nên yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật (chia đều cho tám anh chị em).
Tháng 8-2013, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận định: Tòa đã xác minh tại UBND phường về giấy xác nhận mà bà Lan xuất trình. Phường trả lời không có lưu giữ một bằng chứng nào để chứng minh là giấy này đã được thông qua phường. Mặt khác, giấy giao tiền của bà Lan chỉ có bản phôtô nên tòa không thể xem xét. Từ đó, tòa căn cứ vào giấy tái xác nhận bán nhà để tuyên quyền sở hữu nhà thuộc về ông Lăng.
Bà Lan và những người liên quan kháng cáo.
Đừng vì lợi riêng mà chia cắt ruột rà
Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa xem xét kháng cáo của các đương sự. Mở đầu phiên xử, thẩm phán chủ tọa yêu cầu các bên: “Khi nhắc đến cụ Hậu thì cứ gọi là ba đi cho ấm lòng. Anh em trong nhà cả mà…”.
Nhưng rồi dường như mọi bức xúc đã đầy tràn, đến lúc phải xả ra nên ai cũng muốn lôi hết cái xấu của nhau ra trước công đường để chứng minh mình là đúng, còn người kia là không phải.
Đợi cho mọi huyên náo lắng xuống, chủ tọa đề nghị mọi người im lặng để ông công bố một chứng cứ quan trọng: Bức di thư mà cụ Hậu viết lúc sinh thời.
Với giọng trầm, ấm, chủ tọa đọc bức di thư khiến người nghe dù không liên quan vẫn thấy xúc động, nghẹn lòng. Thư có đoạn:
Từ ngày có biến cố quan trọng xảy ra trong gia đình đến nay, ba đã bán lần lượt các đồ đạc trong gia đình, kể cả chiếc nhẫn cưới bằng vàng của riêng ba để nuôi gia đình làm ăn, sinh sống. Ba yêu quý chiếc nhẫn này nhất đời ba, thế mà ba buộc lòng phải bán đi. Và cũng kể từ ngày hôm nay, ba ủy quyền cho Chi Lăng tiếp tục quản lý công ăn việc làm cũng như đồ đạc nhà cửa để nuôi dưỡng chị em.
Sau khi ba nằm xuống, ba khuyên và yêu cầu các con đừng hiểu lầm nhau, vì quyền lợi riêng, lợi ích nhỏ nhen mà gây ồn ào, lộn xộn trong gia đình. Không đi đến đâu cả mà người ngoài sẽ cười chê…
Những chữ cuối cùng của bức di thư đã thoát ra khỏi miệng chủ tọa. Không khí như chùng xuống. Khán phòng lặng ngắt đến nỗi nghe được tiếng quạt trần vòng vòng giục giã.
Bị đơn nghẹn ngào trách nguyên đơn: “Anh có nhớ lúc mới mua nhà anh ở đâu không? Cả nhà dành dụm từng đồng từng cắc. Mấy chị em nhắc nhở nhau không được quên những thứ anh cần, những món anh thèm trong giỏ xách mang đi thăm nuôi anh trong tù. Anh làm gì có tiền để mua nhà? Em khó khăn lắm mới gom được tiền trả thêm cho người ta. Giờ căn nhà trị giá hơn 15 tỉ đồng mà anh chỉ cho em có 19 triệu đồng, anh đành lòng sao?”.
Tòa tiếp lời bà Lan: “Tòa không thể nào soi rọi vào lương tâm của từng người để mà xét xử được. Chứng cứ đôi khi nghiệt ngã lắm! Căn nhà này cũng là cái phúc đức mà cụ Hậu để lại cho con cháu. Ông Lăng, ông có cần suy nghĩ lại để chia cho anh chị em hay không? Ông có đồng ý chia cho bà Lan giá trị 1/8 căn nhà không?”.
Đáp lời, ông Lăng buông câu thờ ơ: “Tùy tòa quyết định!”.
Sau cùng, tòa đã tạm hoãn để định giá lại căn nhà.
Họ rời tòa. Bà Tiên và ông Lăng đi về cùng một hướng, về cùng một nhà. Tối nay, họ vẫn chung sống dưới một mái nhà. Sáng ra, ông Lăng lại bán cơm, bà Tiên lại bán bún, cuộc sống mưu sinh vẫn tiếp diễn…
Cũng như hội đồng xét xử, tôi mong rằng bức di thư của người cha mà chủ tọa vừa công bố sẽ như phép màu hóa giải những mâu thuẫn và kết nối mối thâm tình ruột thịt từng rạn vỡ trong họ. Và khi phiên tòa mở lại, biết đâu họ sẽ lại tay bắt mặt mừng như sự mong mỏi của người cha quá cố.
LỆ TRINH