Đi khám chuyên khoa hô hấp ở Bệnh viện (BV) quận 2, TP.HCM, bà Trương Thị Hoa (57 tuổi) được bác sĩ (BS) kết luận bị hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) và được căn dặn thường xuyên đeo khẩu trang để tránh tác nhân bụi bặm gây cơn hen phế quản cấp sau khi được cho thuốc.
Tối phải ngủ ngồi
Bà Hoa rầu rĩ cho biết nhà bà ở mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu, quận 9), gần cảng Phú Hữu nên thường có xe container và nhiều phương tiện lưu thông khiến bụi bay mù mịt, muốn tránh hít bụi cũng khó.
“Mặc dù ở trong nhà nhưng tôi vẫn luôn mang khẩu trang, tuy nhiên không thể nào hạn chế được bụi 100%. Mỗi lần có việc đi ra ngoài, chạy sau xe nhả khói đen là tôi đều thấy khó thở, ngứa cổ, ngứa mũi. Vào buổi chiều tôi thường khạc ra đờm có bợn màu đen, nhất là mùa nắng bụi bay nhiều. Gần đây tôi thường khó thở, khò khè, tối ngủ càng khó thở hơn. Nhiều lúc khó thở quá phải ngồi dựa lưng vào tường mà ngủ” - bà Hoa kể.
Tại BV Thống Nhất cũng có không ít người đi khám chuyên khoa hô hấp các bệnh lý viêm mũi dị ứng, phối tắc nghẽn mạn tính (COPD). Ông Lê Văn Châu (56 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cho hay ông bị COPD đã sáu năm nay. Gần đây thời tiết nắng nóng cộng khói bụi, xe cộ xả thải khiến ông luôn cảm thấy khó chịu, khó thở khi ra đường và không dám lơ là đi tái khám.
Do từ trước tới nay không có thói quen sử dụng khẩu trang khi ra đường, ông Trần Phi Hùng (64 tuổi, ngụ quận 2) cho biết từ khi bị viêm mũi dị ứng, ông bắt đầu siêng đeo khẩu trang hơn. “Đeo khẩu trang cũng hạn chế được một phần thôi, ở nhà thì không sao nhưng cứ ra đường là tôi hay bị khó chịu, khó thở, nghẹt mũi. Ban đầu tôi định để cho bệnh tự hết nhưng không thấy hết nên phải đi BS cho thuốc và lời khuyên” - ông Hùng chia sẻ.
Bà Trương Thị Hoa đang được BS Quách Minh Phong thăm khám bệnh hen suyễn. Ảnh: HOÀNG LAN
Cảnh báo nguy hiểm từ bụi mịn
BS Quách Minh Phong, Phó khoa Nội tổng hợp, Trưởng đơn vị hô hấp BV quận 2, cho hay khói bụi là một trong những nguyên nhân khiến những người có bệnh nền hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm hầu họng, COPD càng nặng hơn và dễ lên cơn cấp.
“Khói bụi phân thành những loại hạt mà chúng ta có thể thấy được và có thể ho khạc ra được. Cạnh đó cũng có những loại hạt bụi mịn mắt thường không nhìn thấy như các hạt bụi ôxit cacbon, bụi sắt, bụi silicat siêu nhỏ... sinh ra từ khí thải xe cơ giới, công trình xây dựng, nhà máy sản xuất... Những bụi mịn này phế quản không thể cản nổi và lâu dần sẽ tích tụ sâu tận tiểu phế quản, theo thời gian gây nên bệnh về hô hấp, tổn thương phổi” - BS Phong nói.
Cũng theo BS Phong, khói bụi hít vào hằng ngày không phải có triệu chứng liền. Mỗi ngày hít vào một ít, lâu dần sẽ làm cho đường dẫn khí bị hư, bị chai. “Các lông mao trong mũi bình thường khi bị kích thích sẽ có phản xạ ho để đẩy khí độc ra thì lâu dần bị hư, liệt, không đẩy chất độc ra ngoài được” - BS Phong giải thích.
Ghi nhận mùa cao điểm nắng nóng ở BV những ngày qua, số ca bệnh khám chuyên khoa hô hấp đang có xu hướng tăng. Mỗi ngày đơn vị hô hấp, BV quận 2 tiếp nhận khoảng 30 trường hợp lên cơn hen suyễn do các yếu tố dị nguyên tác động và hơn 40 ca khám các bệnh lý hô hấp khác.
BS Phong dự đoán thời điểm giao mùa từ hè sang thu, kèm theo thời tiết thất thường lúc nắng lúc mưa, bệnh lý về hô hấp sẽ càng tăng nên người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe. Ngoài giải pháp đồng bộ của Nhà nước nhằm giảm ô nhiễm không khí môi trường, người dân nên hạn chế tiếp xúc với khí thải độc hại bằng cách mang khẩu trang, hạn chế ra đường giờ cao điểm.
Theo BS Phong, loại khẩu trang vải chỉ có chức năng chống nắng nhưng không cản bụi hiệu quả, người dân nên trang bị các loại khẩu trang có than hoạt tính giúp hút chất độc và cản bụi tốt hơn. Ngoài ra, vào ban đêm, khi đi ra đường cũng nên đeo khẩu trang vì lúc này khói bụi vẫn ô nhiễm như thường. Cạnh đó cần nhớ chích ngừa cảm cúm, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C nhằm tăng sức đề kháng.
“Nếu có các triệu chứng như hắt xì hơi, ho khạc đàm, đàm đổi màu trắng đục nên đi khám chuyên khoa để được BS đưa ra hướng xử trí và tư vấn rõ ràng” - BS Phong lưu ý.
Bụi mịn là những hạt bụi có kích thước rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy được và rất nguy hiểm. Nó có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào các phế nang, vào máu. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016, ô nhiễm không khí, trong đó có ô nhiễm bụi mịn là nguyên nhân của bảy triệu ca tử vong hằng năm trên thế giới. |