Nhiều ngân hàng đua nhau đưa ra các gói lãi suất ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà.

Bung hàng loạt giải pháp kích cầu kinh tế

(PLO)- Nhiều giải pháp kích cầu kinh tế như ngân hàng đua nhau giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn “né”, thậm chí bán tài sản cắt lỗ để giảm áp lực vay ngân hàng.

Lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với các gói hỗ trợ lãi suất được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều DN, nhất là các DN vừa và nhỏ cũng không mặn mà. Trong khi đó, ở thời điểm này, người dân cũng thắt chặt hầu bao, sức mua cũng sụt giảm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nền kinh tế.

P23_Ngan-hang-nguyet-nhi.jpg
Nhiều ngân hàng đua nhau đưa ra các gói lãi suất ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà. Ảnh: NGUYỆT NHI

Lãi suất ngân hàng “chạm đáy”, DN vẫn thờ ơ

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, tương đương khoảng 2 triệu tỉ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Tuy nhiên, tính đến ngày 10-4 vừa qua, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt hơn 1%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 2,5%.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng đua nhau đưa ra các gói lãi suất ưu đãi. Thậm chí có ngân hàng không giới hạn quy mô gói tín dụng ưu đãi mà dựa vào cầu tín dụng, tức là nhu cầu của khách hàng tăng đến đâu thì quy mô vốn ưu đãi sẽ được nới rộng đến đó. Thế nhưng không phải ai cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng.

“Khi sản xuất được kích thích thì ngay lập tức doanh nghiệp sẽ có nhu cầu về vốn.”

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng của tháng sau luôn cao hơn so với tháng trước nhưng so với cuối năm ngoái thì hiện tín dụng vẫn âm.

Theo bà Phượng, lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp, còn lãi suất huy động cũng đã “chạm đáy”. Giờ đây, giữa các ngân hàng thương mại không tồn tại cuộc đua cạnh tranh về lãi suất huy động nữa mà chỉ có cùng nhau giảm lãi suất.

“Tuy nhiên, lãi suất cũng chỉ giảm đến một giới hạn nhất định nào đó thôi, chứ cứ giảm mãi sẽ không đảm bảo hiệu quả kinh doanh được nữa. Vì ngân hàng cũng là DN và chúng tôi đang phải trả lãi cho người gửi tiền nên nếu không cho vay ra được thì rất lo” - bà Phượng nói.

Hiện nay, Agribank đang tập trung giảm lãi suất cho vay với những dự án tốt để giảm trích lập dự phòng rủi ro. Bà Phượng cho biết mức chênh lệch lãi suất huy động - lãi suất cho vay quá thấp nên lợi nhuận thu được chỉ đủ để ngân hàng cầm cự là chính.

Bà Phượng nhìn nhận vấn đề đặt ra thời điểm này không phải là làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nữa mà là làm thế nào để kích thích được sản xuất.

“Khi sản xuất được kích thích thì ngay lập tức DN sẽ có nhu cầu về vốn. Mà muốn kích thích sản xuất thì lại không phải đến từ phía ngành ngân hàng mà các chính sách hỗ trợ cần làm thế nào để các DN đẩy mạnh sản xuất trở lại, làm sao cho khu vực xuất khẩu được phục hồi… Khi các ngành sản xuất khởi động thì đương nhiên dòng vốn cũng được chảy vào đó.

“Tuy nhiên, giờ đây giá điện tăng, xăng dầu tăng, lương tăng… khiến chi phí sản xuất cũng tăng theo. Trong khi đó, nhiều DN vẫn còn thiếu đơn hàng, không có nhu cầu sản xuất, đương nhiên cũng không có nhu cầu sử dụng vốn. Vậy thì ngành ngân hàng biết đưa vốn vào đâu bây giờ?!” - bà Phượng nói.

Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần, lúc kinh tế sôi động thì khách hàng tự tìm đến ngân hàng, còn giờ đây khi cầu tiêu dùng yếu, ngân hàng phải chạy đôn chạy đáo đi tìm khách hàng dù lãi suất đã giảm xuống rất thấp.

Tuy nhiên, vị này cho biết dù khó kiếm khách hàng nhưng nếu sức khỏe tài chính DN suy giảm thì cũng không dám mạo hiểm cho vay. “Ngay cả khách hàng đang trả nợ bình thường nhưng vì ngành hàng sản xuất, kinh doanh của họ vẫn còn èo uột thì ngân hàng buộc phải yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản thế chấp để giữ nguyên hạn mức cho vay. Nếu không còn tài sản thế chấp để bổ sung thì chúng tôi buộc phải giảm dần dư nợ với khách hàng” - vị này cho hay.

Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Sơn, cho biết: Trong khoảng 30 năm hoạt động kinh doanh và vay vốn ngân hàng, chưa bao giờ ông được vay với lãi suất thấp như hiện nay. Các khoản vay ngắn hạn 3-6 tháng, có tài sản thế chấp đang ở mức 4,5%-5,5%/năm. “Cá biệt có những ngân hàng đang mời tôi vay với tín chấp chỉ có 4%/năm. Tuy nhiên, với các khoản vay trung, dài hạn thì lãi suất vẫn ở mức cao. Do đó, để giảm chi phí lãi vay, tôi buộc phải xoay dòng tiền để tất toán những khoản vay trung hạn và chuyển sang vay ngắn hạn” - ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May DONY, cho biết ngành may mặc hiện đã có dấu hiệu thoát đáy nhưng vẫn chưa thể phục hồi như giai đoạn trước dịch COVID-19. Các đơn hàng đã về nhưng giá cả rất cạnh tranh. Vì vậy, lợi nhuận thu về cũng chỉ đủ bù đắp các chi phí sản xuất, chi phí lãi vay, lương cho công nhân...

“Dù lãi suất của các khoản vay đáp ứng cho nhu cầu vốn lưu động hiện đã thấp hơn khoảng 2%/năm so với một năm trước, song tôi vẫn không có ý định dựa vào vốn vay ngân hàng. Thậm chí, tôi vừa chấp nhận cắt lỗ một miếng đất để giảm dư nợ vay ngân hàng. Nói chung, ở giai đoạn hiện nay, sức mình có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu chứ không dám mở rộng đầu tư thêm nữa” - ông Phạm Quang Anh cho biết.

Sức mua ở chợ truyền thống giảm

Tại các chợ truyền thống, sức mua cũng giảm. Ông Lê Quang Thiện, Trưởng Ban quản lý chợ Tân Định, quận 1, cho biết do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, từ sau Tết đến nay tình hình sức mua tại chợ giảm khoảng 30% so với cùng kỳ. Theo ông Thiện, nhằm nâng cao mãi lực của chợ, UBND quận cùng các sở, ngành đang hỗ trợ tiểu thương bán hàng qua online, qua mạng xã hội...

Ngành bán lẻ ồ ạt khuyến mãi, sức mua vẫn giảm

Trong khi đó, ở góc độ các kênh bán lẻ như hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống, sức mua giảm đáng kể so với trước đây. Ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Lê Gia, cho biết từ Tết Nguyên đán đến nay sức tiêu thụ của DN đi ngang, thậm chí có chiều hướng giảm.

“Sức mua của người tiêu dùng giảm, người dân có chiều hướng tiết kiệm hơn trong những lần mua sắm. Ngay cả mùa mua sắm Tết vừa qua, doanh số bán ra tuy tăng nhưng không đạt như kỳ vọng” - ông Lê Anh nói.

Để duy trì được doanh số cũng như tăng trưởng của DN, ông Lê Anh cho biết công ty phải liên tục tăng cường chất lượng sản phẩm nhưng giá thành không đổi. Đồng thời liên tục ra mắt các sản phẩm mới để tặng kèm cùng sản phẩm cũ, theo hướng bán combo.

P23_0N9-A4077.jpg
Các kênh bán lẻ như hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống, sức mua giảm đáng kể so với trước đây. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu

Sáng 17-4, Trường ĐH Kinh tế quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.

Tại hội thảo, GS-TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 kém hơn so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện.

GS-TS Chương nhận định những động lực truyền thống đến từ tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) còn yếu. Khu vực doanh nghiệp (DN) còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi động lực tăng trưởng mới còn chưa rõ ràng. Môi trường tài chính và vĩ mô như hệ thống tài chính tiền tệ, thị trường trái phiếu DN, thị trường vàng và thị trường bất động sản còn chứa đựng nhiều rủi ro.

Theo ông Chương, tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. Điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân… Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam.

“Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu. Từ đó phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới” - GS-TS Chương nói.

TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu khiến nền kinh tế Việt Nam khó khăn, do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu.

Trong khi đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với mức tăng 20% của năm 2022. Thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.

TS Nguyễn Đức Hiển dẫn số liệu của năm 2023 cho thấy tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52% so với năm trước. Về dịch vụ du lịch, mặc dù đã có nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam. Trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước tính đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

TS Nguyễn Đức Hiển thống kê qua hơn 30 năm (giai đoạn 1991-2023), tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam đạt khoảng 6,2%. Trong khi đó, Hàn Quốc trong 40 năm trung bình đạt khoảng 8%, Nhật Bản đạt khoảng 9,4%. “Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ khó bứt phá và mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 gặp nhiều khó khăn” - TS Nguyễn Đức Hiển nói. MINH TRÚC

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, trong quý I-2024, sức mua tại hơn 800 điểm bán lẻ của Saigon Co.op tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành hoạt động hệ thống Co.opmart, nhìn nhận kết quả này nhờ trong quý I có tháng Tết.

Trong khi đó, bước sang quý II-2024 thường rơi vào mùa thấp điểm kinh doanh bán lẻ. “Thời điểm này bên cạnh tung ra các chương trình khuyến mãi nhằm tăng hiệu quả kích cầu sức mua, chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận, đồng hành cùng nhà cung cấp chung tay mang hàng hóa chất lượng với giá tốt nhất đến người tiêu dùng. Theo đó, Saigon Co.op tập trung vào chất lượng của khuyến mãi, đó là giảm giá sâu ở những nhóm hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống...” - ông Thắng nói.

P23_Doanh-nghiep.jpg
Các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) cần được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn nữa. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Nguyễn Xuân Hải, Tổng Giám đốc hệ thống Klever Fruit, cho biết rõ ràng về tổng sức mua của cả nước vẫn đang có một con số tích cực. Tuy nhiên, các DN đều cảm nhận sức mua giảm.

Hiện nay thị trường, nhất là trong ngành thực phẩm, chứng kiến sự tham gia của rất nhiều DN, nhà bán nhỏ lẻ, từ offline đến online, ở mọi nền tảng. Dung lượng thị trường chia nhỏ, người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn, do đó thị phần DN cũng giảm bớt so với trước đây.

Để duy trì được tệp khách hàng riêng cũng như nâng cao doanh số bán lẻ, ông Hải cho biết DN của ông phải liên tục cải cách hệ thống vận hành, đánh mạnh vào sự hài lòng của khách hàng. “Ngoài chất lượng sản phẩm, chúng tôi hướng đến tăng cường quá trình giao vận, liên tục cải tiến cũng như đầu tư vào các kênh mua sắm online như website, Facebook, TikTok… để tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng trong cả nước” - ông Hải nói.•

.............................................

TS CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:

Kích cầu cả đầu tư và tiêu dùng là rất cần thiết

Dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều con số cho thấy kinh tế đang phục hồi, dù không đồng đều. Nếu so sánh thu nhập của người dân với thời điểm trước dịch thì Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có thu nhập của người dân tăng lên. Vì vậy, chúng ta không nên quá bi quan.

P23_chuyende-CanVanLuc.jpg

Mặc dù vậy, những yếu tố hiện tại đều chỉ ra như là đầu tư tư nhân suy giảm thấp nhất nhiều năm qua là rất có vấn đề. So với trước đây, cả đầu tư công và đầu tư tư đều đóng góp khiêm tốn cho tăng trưởng. Do đó, thời điểm này phải kích cầu cả đầu tư và tiêu dùng là rất cần thiết, bởi rõ ràng hiệu quả đầu tư là vấn đề lớn cần quan tâm.

Trước hết, chúng ta cần làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu. Đơn cử như thực hiện thành công các cơ chế, chính sách, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng hiện hữu như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa; áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó chính sách tài khóa là chủ lực, chính sách tiền tệ có vai trò phối hợp. Quan tâm thúc đẩy tăng trưởng các đầu tàu của nền kinh tế, nhất là Hà Nội, TP.HCM…

Ngoài ra cần chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhà nước, dự án yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém, đầu tư công… nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, lành mạnh hóa hệ thống doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Một điều nữa cần nhấn mạnh là các giải pháp cho các lĩnh vực này đã được nêu rõ trong rất nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách đã ban hành, vấn đề hiện nay là chất lượng thực thi.

........................

GS-TS PHẠM HỒNG CHƯƠNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân:

Bốn nhóm giải pháp tăng tổng cầu

Trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa có cải thiện về chiều sâu, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024 (ngắn hạn), Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách trọng cầu. Các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) cần được phục hồi nhanh chóng và đẩy mạnh hơn nữa. Vì thế, tôi khuyến nghị bốn nhóm chính sách.

P23_chuyende-PhamHongChuong.jpg

Về chính sách tài khóa, Chính phủ có thể xem xét tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái.

Về chính sách tiền tệ, để tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành và chỉnh sửa một số văn bản pháp lý liên quan đến tiếp cận tín dụng. Đồng thời triển khai một số chính sách nhằm tăng cường mức độ tiếp cận tín dụng, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Về chính sách thúc đẩy đầu tư, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nên ưu tiên chú trọng vào ba vấn đề lớn. Thứ nhất, cần tháo gỡ vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản nhằm huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, từ đó thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Cùng với đó, cần có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng giảm vướng mắc trong tất cả khâu quản lý dự án, từ chuẩn bị đến quy hoạch và thực hiện.

Thứ hai, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân như cắt giảm thực chất những điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ ba, cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp. Nhằm giúp khơi thông dòng vốn tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh…

Tiêu dùng hiện cũng đóng vai trò lớn nhất trong tổng cầu. Do đó, Chính phủ cần kích thích chi tiêu của người tiêu dùng thông qua gia tăng trợ cấp an sinh xã hội cho người nghèo, người bị mất việc làm; nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) hàng thiết yếu nội địa; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương.

..................

GS-TS TÔ TRUNG THÀNH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân:

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng

Việc quản lý tổng cầu trong giai đoạn vừa qua có vấn đề khi hầu hết yếu tố đều gia tăng nhập siêu, đặc biệt là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Riêng khu vực đầu tư tư nhân, dù mang lại giá trị gia tăng cao nhất nhưng lại gặp nhiều khó khăn nhất trong giai đoạn vừa qua, kéo theo ảnh hưởng đến nền kinh tế trong giai đoạn tới.

P23_chuyende-ToTrungThanh.jpg

Trọng cầu là giải pháp trước mắt để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024. Tuy nhiên, để kích thích tổng cầu mà không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và tài chính quốc gia thì cần lưu ý về liều lượng và trọng tâm.

Về liều lượng, cần tập trung đẩy mạnh các chính sách tài khóa hơn chính sách tiền tệ do còn dư địa. Với chính sách tiền tệ, thay vì tập trung giảm lãi suất, tăng hạn mức tín dụng thì cần gia tăng hiệu lực chính sách, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khối tư nhân.

Đặc biệt coi khu vực tư nhân là quan trọng nhất, từ đó việc thiết kế chính sách cần tập trung vào lĩnh vực này. Trong đó bao gồm hỗ trợ giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Giảm thuế, phí cả chính thức và không chính thức...

Với đầu tư công, chất lượng và hiệu quả là mấu chốt. Cần tập trung vào cơ sở hạ tầng liên vùng, phát triển khoa học công nghệ, hệ thống trường học..., từ đó tăng tổng cầu trong dài hạn.

Ngoài ra cũng cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa sản xuất để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), ban hành khung pháp lý về tiêu chí xanh... để thu hút thêm giá trị gia tăng.•

Đọc thêm