Chiều 20-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP.HCM về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.
Gặp nhà đầu tư, tận dụng cơ hội phát triển
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đã cho ý kiến đối với các kiến nghị của TP.HCM về 12 dự án, vấn đề gồm tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự án tuyến metro 2, thủ tục liên quan trong việc chuyển đổi dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công, thủ tục thanh toán dự án BT bằng tiền tại thời điểm quyết toán, dự án đường vành đai 3, đường vành đai 4, bổ sung công trình xây dựng...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cam kết TP sẽ hoàn thành 100% nhiệm vụ giải ngân đầu tư công trong năm nay. UBND TP sẽ tổ chức giao ban cứ hai tuần một lần về giải ngân đầu tư công, hằng tháng đi giám sát thực địa.
Bí thư Thành ủy cho biết sẽ tổ chức cuộc gặp các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào TP nhưng phải dừng lại do dịch COVID-19 để rà soát, động viên nhà đầu tư tiếp tục. TP sẽ nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội để phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTBC
Kích thích tiêu dùng đến xã, phường
Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản nhất trí với các kiến nghị của TP.HCM và nêu rõ tinh thần trung ương ủng hộ TP.HCM phát triển xứng tầm.
Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm của TP.HCM trong việc hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công đã đề ra cho năm nay và cho rằng từ nay tới cuối năm, tại TP còn nhiều vấn đề lo lắng, còn chậm, nhất là một số công trình giao thông.
Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh do vị trí, vị thế, vai trò đối với cả nước, TP.HCM không được chậm trễ, đặc biệt các cấp, các ngành, các quận không được trì trệ, phải nâng cao tính năng động, sáng tạo, bám công việc, tập trung sức lực để đạt kết quả cụ thể trong những vấn đề khó khăn như giải phóng mặt bằng…
Cần tập trung xử lý, giải quyết các dự án, kết luận của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về khu Thủ Thiêm và các dự án được thanh tra khác, không được chậm chạp, không để mang tiếng thanh tra làm ảnh hưởng đến sự phát triển của TP.
Để thúc đẩy TP.HCM có mức tăng trưởng tốt hơn trong sáu tháng cuối năm, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề.
Trước hết, Thủ tướng cho rằng quan trọng nhất là kích cầu tiêu dùng bởi TP.HCM là trung tâm tiêu dùng của cả nước, kích cầu tiêu dùng của TP sẽ giúp kích cầu cho cả nước, lan tỏa cả nước. Thủ tướng yêu cầu TP.HCM, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh mẽ để hàng hóa đến tận khu công nghiệp, đến người công nhân, đến xã, phường.
Thứ hai, TP phải hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ du lịch khi mà dịch vụ chiếm trên 60% GDP.
“Tôi đề nghị các đồng chí phải thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm” - Thủ tướng nói. Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp 5%-8% GDP của TP. Cho nên cần tăng cường tổ chức kinh tế ban đêm, bảo đảm an ninh trật tự cho kinh tế ban đêm.
Kiến nghị gỡ vướng cho metro, đường vành đai Trước đó, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian qua mặc dù tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP cao hơn toàn quốc nhưng trong quá trình thực hiện, TP.HCM cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, ông kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết nhiều vấn đề để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Với dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, ông Phong kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT xem xét, bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương trong hạn mức kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại của dự án chưa được bố trí là hơn 3.676 tỉ đồng (kế hoạch vốn trung hạn của dự án là 7.500 tỉ đồng) để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2021. Về dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, ông kiến nghị Thủ tướng cho phép TP thực hiện điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí của dự án này để tiếp tục thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập, đảm bảo không tăng tổng mức đầu tư của dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đối với các tuyến vành đai, ông cho biết đến nay tuyến vành đai 2 mới chỉ khép kín hơn 50/64 km, vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16/89 km (18%) và vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng. Do đó, ông kiến nghị Thủ tướng cùng các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT và phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Về dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, ông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có ý kiến hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai dự án... |