TP.HCM kiến nghị bổ sung hơn 3.600 tỉ đồng cho Metro số 1

Chiều 20-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với TP.HCM về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

Kiến nghị bổ sung vốn metro số 1

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết năm 2020, UBND TP đã giao và phân bố chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của TP với tổng số vốn là hơn 41.691 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách TP là hơn 33.940 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương là hơn 7.751 tỉ đồng.

Tính đến ngày 15-7-2020, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỉ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỉ đồng) thì tỉ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.

Theo ông Phong, mặc dù hiện nay tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP cao hơn tỉ lệ giải ngân chung của toàn quốc nhưng trong quá trình thực hiện, TP cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Do đó ông đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết nhiều vấn đề để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, đối với dự án xây dựng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, ông Phong kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương trong hạn mức kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại của dự án chưa được bố trí là hơn 3.676 tỉ đồng (kế hoạch vốn trung hạn của dự án là 7.500 tỉ đồng) để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2021.
Trường hợp giải ngân không kịp số vốn dự kiến bố trí trong năm 2020, ông Phong kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành Trung ương xem xét hỗ trợ TP thực hiện thủ tục điều chuyển số kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại của kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025.
Về dự án xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lưong, ông Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép TP thực hiện điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí của dự án này để tiếp tục thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập, đảm bảo không tăng tổng mức đầu tư của dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Theo ông Phong, dự kiến thực hiện giải ngân cho việc đền bù giải phóng, mặt bằng phục vụ cho dự án metro số 2 trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng, sẽ góp phần làm tăng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến vành đai

Đối với các tuyến vành đai, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết đến nay tuyến vành đai 2 mới chỉ khép kín hơn 50/64 km, vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16/89 km (18%) và vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng.
Do đó, ông Phong kiến nghị Thủ tướng cùng các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT và phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đối với tuyến vành đai 4, ông Phong kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Trong giai đoạn 2020-2025, chủ trương đầu tư cho tuyến vành đai trên cần được thông qua để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư, xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.
Về việc bổ sung công trình xây dựng 4 cây cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào khu phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Phong kiến nghị Thủ tướng giao các bộ ngành sớm có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục thực hiện chủ trương bổ sung công trình xây dựng này.
Về dự án Quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Phong cho rằng đây là một công trình công cộng có ý nghĩa quan trọng phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của TP. Do đó UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo về việc triển khai thực hiện dự án trong thời gian sắp tới để đảm bảo phù hợp với các quy định có liên quan.
Về dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Chủ tịch UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành có ý kiến hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai dự án. Trong đó bao gồm cả việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án hoặc các nội dung ủy quyền cần thiết (nếu có).

Cần tháo gỡ cho các dự án bị ách tắc, chậm

Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo TP.HCM vì đã tập trung nhiều công sức để xây dựng thể chế, có nhiều cố gắng trong chỉ đạo.

TP.HCM kiến nghị bổ sung hơn 3.600 tỉ đồng cho Metro số 1 ảnh 2
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Thủ tướng, sáu tháng đầu năm, kinh tế TP chỉ tăng trưởng 1,02% do ngành dịch vụ chiếm 60% GDP của TP bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

“Mức tăng trưởng thấp này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến TP.HCM, mà còn ảnh hưởng đến cả nước, bởi từ trước đến nay tốc độ tăng trưởng của TP luôn cao hơn 1,3-1,5 lần cả nước” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng đã đề nghị lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành cần đưa ra các giải pháp tháo gỡ cho các dự án bị ách tắc, chậm, trì trệ, chưa giải quyết được với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không để thất thoát tài sản Nhà nước và không để tham ô, tham nhũng xảy ra. Đồng thời cần mở rộng cơ chế tạo thuận lợi cho TP.HCM triển khai các dự án.
Thủ tướng cho rằng việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư công để làm sao cho TP.HCM vượt lên, đạt mức tăng trưởng cao hơn trong sáu tháng cuối năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm