Bùng nổ hàng loạt khu công nghiệp ngàn tỉ

Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành đã chủ động đẩy mạnh đầu tư, mở rộng các khu công nghiệp (KCN) cũng như chuẩn bị hạ tầng sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư.

Thêm nhiều khu công nghiệp mới ra đời

Thời gian gần đây, Chính phủ đã quyết định chủ trương đầu tư hàng loạt KCN ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Bá Thiện - phân khu I tại Vĩnh Phúc có tổng diện tích hơn 247 ha, vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng.

Chính phủ cũng đã quyết định chủ trương đầu tư dự án KCN sạch Sóc Sơn ở Hà Nội. Đây được xem là dự án KCN khủng với tổng vốn dự kiến gần 3.227 tỉ đồng, sử dụng gần 303 ha đất. Tương tự, KCN Thế Kỷ ở Long An quy mô sử dụng đất trên 119 ha, tổng vốn đầu tư 1.355 tỉ đồng… cũng được trung ương chấp thuận chủ trương.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang mở rộng, đầu tư mới hàng loạt KCN để sẵn sàng đón các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Chẳng hạn, Long An mở rộng và lập mới nhiều KCN quy mô hàng trăm hecta. Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, dự kiến trong năm nay, tỉnh sẽ có thêm khoảng 1.500 ha đất sạch trong các KCN để thu hút đầu tư và đón đầu làn sóng đầu tư. Trong ba tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút gần 3,2 tỉ USD dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Nai có kế hoạch mở thêm một số KCN với diện tích trên 1.000 ha, có kèm các dịch vụ tiện ích khác. Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương cho Đồng Nai phát triển thêm 6.500 ha đất công nghiệp.

Theo thống kê của VietnamFinance, chỉ riêng trong ba tháng đầu năm nay đã có 25 dự án KCN được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 46.580 tỉ đồng và tổng diện tích lên đến hơn 5.800 ha. Đây là những dự án hơn ngàn tỉ đồng của hàng loạt gương mặt tên tuổi như Viglacera, Gilimex, Sonadezi, Hanaka, Hòa Phát…

Nhu cầu thuê đất công nghiệp để mở rộng sản xuất, kinh doanh của các công ty tăng cao trong thời gian gần đây. Trong ảnh: Một khu công nghiệp tại Long An mới được khởi công xây dựng. Ảnh: QH

Không “vơ bèo vạt tép”

Nhiều dự báo cho thấy bất động sản công nghiệp sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong năm nay. “Dự kiến làn sóng di dời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022 đòi hỏi nhiều nguồn cung bất động sản công nghiệp hơn để đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao. Điều này sẽ thúc đẩy sự bùng nổ quỹ đất công nghiệp tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước, kể cả các địa phương xa thủ phủ công nghiệp hiện hữu” - Công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam nhận định.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam, cũng cho rằng Chính phủ đã có những động thái tích cực trong việc hỗ trợ và mở rộng các KCN để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư của các công ty công nghệ và sản xuất lớn từ Trung Quốc sang các khu vực khác, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam và lên kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất đến nước ta.

Tuy vậy, để thu hút các tập đoàn đa quốc gia thì Việt Nam không chỉ cần có các KCN quy mô lớn mà còn phải làm tốt nhiều yếu tố như chuỗi cung ứng, kho bãi, cảng biển, giao thông vận tải… được đầu tư đồng bộ. Đồng thời, các KCN phải thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là ưu tiên những nhà đầu tư vào các lĩnh vực tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

“Việt Nam cũng cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào KCN tại Việt Nam” - ông Khương nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng lưu ý khi chọn lựa nhà đầu tư vào các KCN. Đó là sàng lọc những nhà đầu tư có năng lực, ưu tiên ngành công nghệ cao, vốn đầu tư cũng phải lớn chứ không “vơ bèo vạt tép”.

“Các địa phương không nên vội vàng chạy theo số lượng trong việc thu hút đầu tư, mà nên quan tâm hơn đến dự án có chất lượng, quy mô lớn, không gây ô nhiễm môi trường và có liên kết tốt với các công ty sản xuất trong nước lẫn quốc tế” - ông Thịnh khuyến nghị.

Kiểm soát giá đất công nghiệp

Tuy KCN mọc ra nhiều nhưng giá thuê bất động sản công nghiệp vẫn tăng do nhu cầu của các nhà sản xuất trong nước lẫn quốc tế rất lớn. Tình trạng này gây không ít khó khăn cho các nhà sản xuất, kinh doanh.

Công ty cung cấp các dịch vụ về bất động sản và quản lý đầu tư JLL mới đây công bố báo cáo cho hay giá thuê đất công nghiệp tăng nhanh ở các tỉnh phía Nam bất chấp dịch COVID-19. Chẳng hạn trong quý I năm nay, hầu hết chủ đầu tư KCN ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu đều đã tăng mức giá chào thuê đất lên 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê đất công nghiệp bình quân tại năm địa phương trên khoảng 111 USD/m2 cho chu kỳ thuê. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn trung bình cũng lên tới 4,5 USD/m2/tháng.

Chính vì vậy, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đề xuất Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát hợp lý giá thuê đất tại các KCN. Ví dụ, giữ mức giá thuê đất ổn định trong năm năm, 10 năm, 20 năm hay 50 năm tùy dự án KCN chứ không thể điều chỉnh giá thuê đất từng năm chiếu theo giá thị trường.

“Việc điều chỉnh nhiều khiến các nhà đầu tư lo ngại, không tính toán được chi phí và khó thu hút tập đoàn lớn đầu tư lâu dài tại địa phương đó” - ông Thịnh phân tích.

Đất công nghiệp, nhà xưởng đắt khách

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến cuối năm 2020, trên phạm vi cả nước có 369 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 114.000 ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 73.600 ha, chiếm hơn 59% diện tích đất tự nhiên. Các KCN, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp.

Số liệu của Công ty cung cấp các dịch vụ về bất động sản và quản lý đầu tư JLL cho biết trong quý I năm nay, đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn đều ghi nhận tỉ lệ lấp đầy cao khi đạt gần 86% và 82%. Con số này tăng lần lượt 60 điểm phần trăm và 76 điểm phần trăm so với quý trước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm