Phần 1:Bùng nổ tranh cãi ‘quy định quyền im lặng là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân’
Quy định quyền im lặng là gây khó cho cơ quan điều tra
Bên cạnh những ý kiến kịch liệt phải đối, cũng có khá nhiều bạn đọc đồng quan điểm với ông Đỗ Văn Đương và cho rằng nếu bị can, bị cáo có quyền im lặng thì sẽ gây khó khăn cho các hoạt động tư pháp, đặc biệt là cơ quan điều tra (bạn Trần Đăng Ẩn).
“Tôi đã từng là phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra của một tỉnh, hiện là luật sư. Tôi nghĩ bị can chỉ có quyền im lặng khi họ có yêu cầu hoặc thuộc diện phải chỉ định luật sư tham gia. Còn trường hợp họ không mời luật sư và cũng không phải diện phải chỉ định luật sư thì khó cho các cơ quan tiến hành tố tụng quá” bạn Cao Van Bao bày tỏ.
Công an vừa bắt nóng một trường hợp trộm cướp. Ảnh minh họa
Nhiều bạn đọc cũng nghĩ rằng được “quyền im lặng” nghĩa là nhất định không trả lời bất kỳ điều gì cho cơ quan điều tra. Và vì vậy, nếu nghi phạm không khai gì hết, cứ giữ im lặng tuyệt đối như thế thì vụ án sẽ không được giải quyết, đi vào ngõ cụt, bế tắc như bạn
Vinh HN suy nghĩ: “Ví dụ bạn bị lừa đảo hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản, trình báo cơ quan chức năng về đối tượng, khi được triệu tập đối tượng sẽ khai báo về nội dung bạn tố cáo và CQĐT sẽ xác minh xem lời khai đúng hay sai để kết luận. Tuy nhiên khi có quyền im lặng, đối tượng sẽ “câm như hến”, vậy chỉ có mỗi lời tố cáo của bạn thì kết luận ra sao trong khi bạn cũng không biết những đồng phạm của đối tượng?".
Các ý kiến đồng tình với đại biểu Đương cũng cho rằng không nên máy móc bắt chước nước ngoài, bắt chước các nước tiến bộ mà áp dụng luật im lặng ở VN. Vì rằng, tình hình thực tế của nước ta và các nước tiến bộ khác xa nhau, chưa kể trình độ dân trí, trình độ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ điều tra, hệ thống pháp luật… của ta đều kém hơn các nước đó rất nhiều.
Bạn
Hà Trọng Hữu ủng hộ ý kiến của ông Đương: “Những người cho rằng cần có quyền im lặng và quyền đó là tiến bộ thì xin hỏi đó là tiến bộ theo ai, nước nào? Theo Mỹ à, nên nhớ rằng Việt Nam là nước theo
xã hội chủ nghĩa, còn Mỹ là tư bản chủ nghĩa. Tùy vấn đề mà mình học thôi chứ đâu phải cái nào cũng học theo được”.
Bạn Quang Sáng cũng đồng quan điểm và cho rằng lĩnh vực tư pháp, lập pháp nước ta tuy có nhiều tiến bộ nhưng chưa thể theo kịp các nước tiến bộ khác “Trình độ dân trí chưa cao (ngay cả cụm từ "diễn biến hòa bình" mà đại biểu Đương dùng còn nhiều người "chả hiểu gì" nữa mà)”.
“Trở lại vấn đề "quyền im lặng". Đâu phải cứ anh nhận tội là xong đâu? Thực tế có người câm phạm tội vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật […] trong mối quan hệ giữa con người luôn phát sinh cảm xúc, anh "im mồm" trong khi các chứng cứ thu được chống lại anh. Hỏi không nói, khinh người làm cán bộ bực mình còn bị ăn đòn dẫn đến nhục hình rồi. Vậy thì "im mồm" có chống được oan, sai không? chống được nhục hình không? chỉ điều này thôi đủ nói đến "diễn biến hòa bình" chưa? […] Cái mà chúng ta học tập của thế giới chỉ là những cái chúng ta nhìn thấy hay gọi là bắt chước. Mà bắt chước thì "chả hiểu gì cả". Đại biểu Đương cố lên!” bạn Quang Sáng viết.
Cũng có bạn lại cho rằng quy định quyền im lặng, cho phép người bị bắt giam không buộc phải nhận tội, không buộc phải khai sẽ làm chậm quá trình phá án, làm gia tăng tội phạm, giảm hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.
“Tôi đồng ý với đại biểu Đỗ Văn Đương. Tôi biết đây là một điều luật tiến bộ, nhân văn đề cao quyền con người. Nhưng trong bối cảnh đất nước Việt Nam: Trình độ dân trí, trình độ KHCN, hệ thống
luật pháp, trình độ của đội ngũ tư pháp và đặc biệt chế độ sử dụng tiền mặt còn tràn lan trong xã hội thì ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương là hoàn toàn chính xác” bạn
Nguyễn Thành Thái viết.
“Trước khi áp dụng những giải pháp ăn theo các nước khác thì trước tiên phải đặt nó vào điều kiện thực tế của đất nước. Không phải cứ đi theo các nước tiến bộ thì đã hay. Quyền im lặng mặc dù nghe qua có vẻ tích cực, nâng cao dân chủ tuy nhiên sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra, hạn chế công tác điều tra khám phá án, dễ dẫn đến việc tội phạm gia tăng. Nếu vụ việc nào đối tượng cũng im lặng đợi luật sư thì thời gian đấu tranh làm rõ một vụ án sẽ bị kéo dài, ảnh hưởng chung đến các vụ án khác. Nói chung nếu áp dụng quyền im lặng thì đồng nghĩa với việc hiệu quả công tác đấu tranh tội phạm sẽ giảm hơn so với trước đây” bạn Đức Anh nhận xét.
Cũng có bạn đọc lại khẳng định không phải phải cứ "văn minh" hay "nhân văn" là đưa vào luật là luật sẽ có tính hiệu quả cao ngay, Luật có phù hợp với trình độ dân trí thì mới có tính hiệu quả cao được (như bạn Đào Xuân Nhuân).
* * *
Thực tế, nhiều bạn đọc mới chỉ hiểu đơn giản “quyền im lặng” nghĩa là có quyền không phải trả lời bất cứ câu hỏi nào của cơ quan điều tra, có quyền muốn nói thì nói, không nói cũng chẳng sao. Tuy nhiên, thực tế không hẳn vậy.
Bạn Tiến Lên giải thích: “Giữ im lặng không có nghĩa là không nói, điều cơ bản là quá trình điều tra phải có luật sư, có người chứng giám, hoặc các phòng xét hỏi phải có thiết bị ghi âm, ghi hình mà CA không phải là người kiểm soát".
“Quyền im lặng đâu phải là im lặng để chống đối hay không hợp tác với cơ quan điều tra đâu mà quyền im lặng là thể hiện sự công bằng khi xét hỏi. Quyền im lặng được thực hiện khi người bảo hộ cũng như luật sư của người bị xét hỏi chưa có mặt, như vậy thì quyền im lặng cũng có lợi cho cơ quan điều tra tránh được mớm cung, nhục hình cũng như án oan. Vậy thì cớ sao lại không đồng tình thông qua quyền im lặng mà phải tranh luận? bạn Nguyễn Văn Ren giải thích thêm.
Bạn
Trần Ngọc Vinh thì tỉ mỉ: “Có thể diễn giải nôm na: quyền im lặng sẽ được thực hiện từ khi nghi phạm bị bắt giữ đến cuộc thẩm vấn đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của luật sư của nghi phạm, được ghi âm,
camera quan sát... Từ đây, nếu anh cứ tiếp tục "im mồm " hoặc không thì đó chính là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ khi nghị án. Áp dụng quyền im lặng chính là nâng cao sự phân lập của "Tam quyền". Bảo vệ quyền con người chứ không bảo vệ tội phạm - trường hợp này họ mới chỉ là "nghi phạm" chưa phải tội phạm. Kết luận vụ án chủ yếu dựa vào chứng cứ, lời khai chỉ là một phần. Nếu anh thực sự có tội thì cho dù ngoan cố không khai, cơ quan điều tra cũng sẽ thu thập đầy đủ chứng cứ để kết tội thích đáng. Ở đây, đại biểu Đương chắc đang lo về năng lực của cơ quan điều tra nên phát biểu vậy, có điều ngôn từ hơi bị quá khích”.
Một phòng hỏi cung của nước ngoài. Ảnh minh họa
Cuối cùng, xin mượn ý kiến của bạn
Phạm Kiên để khép lại diễn đàn. Ý kiến này đã nhận được rất nhiều Like đồng tình, tâm đắc: “Không thể hiểu nổi, một cái quyền hiển nhiên phải có của một con người, 1 cái quyền đã được cả thế giới tiến bộ thực hiện từ rất lâu rồi, đã nằm trong công ước
quốc tế mà VN đã ký kết, cũng đã được hiến pháp VN công nhận, tại sao cứ phải tranh cãi nên hay không nên? Nhà nước ta, một nhà nước đi theo CNXH, luôn khẳng định là nhà nước do dân, vì dân, nhưng một thứ quyền mà công dân ở những nước khác đã được hưởng từ lâu, nhưng đến ta lại là 1 vấn đề bàn ra tính vào mãi chưa hồi kết, buồn lắm thay.
Phải hiểu rằng, khi kết tội 1 người khác nghĩa là đã làm thay đổi cả số phận, cuộc đời của 1 con người, mà mỗi con người chỉ có 1 lần được sống. Công dân có quyền im lặng, còn trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan buộc tội, là trách nhiệm của nhà nước. Nhà nước muốn buộc tội thì nhà nước phải chứng minh.
Anh là nhà điều tra, anh nói người ta có tội, muốn kết tội người ta, anh phải có trách nhiệm chứng minh người ta phạm tội, đấy là lẽ hiển nhiên. Anh là nhà điều tra, được ăn học, đào tạo, được nhà nước trả lương từ
thuế của dân, anh phải có đủ trách nhiệm, đủ trình độ để chứng minh được việc đó. Nếu anh không đủ trình độ, anh có thể xin ra khỏi ngành để làm công việc khác chứ đừng vì quyền lợi và sự ngu dốt của bản thân mà tước bỏ đi 1 cái quyền rất đơn giản của 1 con người. Quyền của nghi can được im lặng cho đến khi có luật sư của mình sẽ khiến điều tra viên buộc phải vận dụng trí tuệ và các biện pháp hợp pháp để phá án chứ không phải là dùi cui và quyền lực để ép cung.
Khi áp dụng quyền im lặng, cơ quan điều tra sẽ phải nâng cao nghiệp vụ của mình bằng cách tăng cường kỹ thuật khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai từ nhân chứng, tìm kiếm các thông tin khác về nghi phạm, động não suy luận để làm sao cáo buộc của cơ quan tố tụng chắc chắn hơn. Đây là điều sẽ làm cho hoạt động của cơ quan tố tụng tích cực hơn”./.