Bùng phát băng nhóm tội phạm chưa thành niên

Mới đây, UBND TP.HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã tổ chức hội thảo Tệ nạn xã hội trên địa bàn TP.HCM. Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia đều cảnh báo tội phạm người chưa thành niên đang có xu hướng tăng mạnh và diễn biến rất phức tạp.

Tăng về số vụ án và mức độ nguy hiểm

. Phóng viên: Năm 2006, thống kê số vụ phạm pháp chưa thành niên là 10.468, đến năm 2011 giảm còn 8.589 vụ. Vậy tại sao ông lại cho rằng xu hướng tội phạm vị thành niên đã đến mức báo động?

Bùng phát băng nhóm tội phạm chưa thành niên ảnh 1

+ Thiếu tá Bùi Thành Chung, khoa Nghiệp vụ cảnh sát hình sự ĐH Cảnh sát TP.HCM: Nhìn vào tổng số vụ thì như vậy, bởi các vụ việc xảy ra trước đây thường manh mún, đơn lẻ nên nhiều. Đến nay tội phạm chuyển sang băng nhóm, tập thể và những người liên đới ngày càng nhiều. Vì thế hệ quả của các vụ xảy ra mức độ nghiêm trọng cao, số vụ án và khởi tố tăng đột biến.

So sánh án khởi tố năm 2006 chỉ chiếm 27,1% thì đến năm 2009 tăng lên 32% và năm 2011 tăng đột biến 40%. Thực tế này cho thấy tội phạm chưa thành niên ngày càng diễn biến phức tạp. Nghĩa là cứ 10 vụ do người chưa thành niên gây ra thì khởi tố đến bốn vụ. Điều này cho thấy mức độ của các vụ việc càng nghiêm trọng, hậu quả ngày càng lớn hơn.

. Theo ông, tại sao người vị thành niên phạm tội tính chất ngày càng nghiêm trọng?

+ Nghiên cứu cho thấy ở lứa tuổi này nếu một mình thì thường không dám làm. Nhưng nhiều người sáp lại thì rất táo bạo và manh động. Trong tội phạm học gọi là động cơ gây án tỉ lệ thuận với số người tham gia. Đặc biệt tâm lý đám đông chi phối rất lớn đối tượng này. Ra đường nếu va quệt thì một đứa trẻ thường không dám làm gì nhưng nếu có ai đi cùng hoặc vài ba người thì chúng rất manh động.

Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất ở đây chính là nguyên nhân phạm tội của đối tượng này không rõ ràng. Chỉ cần không trùng hợp về sở thích, hay bị bạn bè khích bác… có thể rút dao chém liền. Những mâu thuẫn rất đơn giản cũng dễ tạo thành những vụ thảm sát.

Nghĩ là làm, không cần biết hậu quả

. Ông nói thế có nghĩa là đối tượng nhỏ tuổi dễ… gây chuyện hơn?

+ Đúng vậy. Một lần tôi đang trên đường về nhà vào lúc trời khuya, có một chiếc xe máy chở ba thanh thiếu niên cởi trần, không đội mũ bảo hiểm. Chúng kè sát tôi một đoạn dài, lúc sau một tên hỏi: “Đua xe không?”. Tôi đang đeo khẩu trang nên vừa lắc đầu bảo không. Rồi tên cầm lái tiến thẳng áp sát vào mặt tôi và nói: “Mày tin tao uýnh chết mẹ mày không?”. Trong trường hợp này, nếu có sự kích thích trở lại hay bản thân người đi đường cũng là đối tượng chưa thành niên thì có thể trở thành vụ gây rối, gây thương tích, thậm chí là vụ giết người ngay.

Đối tượng vị thành niên hiện nay có xu hướng bạo lực cao. Trong khi đó, với những người trưởng thành, xuất phát từ mục đích, hình thành động cơ, trong quá trình đấu tranh cân nhắc… nói chung quá trình hình thành tội phạm cần thời gian rất dài. Chẳng hạn đang cần tiền nên nghĩ đến phải ăn trộm. Nhưng ăn trộm thì sợ bị bắt phải đi tù thì sẽ thế nào… Nhưng ở lứa tuổi vị thành niên thì nghĩ là làm mà không cần biết tới hậu quả.

. Nhưng do đâu mà ông nghĩ xu hướng hành vi phạm tội mang tính bạo lực ngày càng nhiều?

+ Khảo sát các hành vi phạm tội cụ thể do người chưa thành niên gây ra qua các năm như 2006, 2009 và 2011 cho thấy các loại tội phạm mang tính chất bạo lực như giết người, hiếp dâm, cưỡng dâm, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng… ngày càng tăng. Sự gia tăng tính chất bạo lực trong hành vi phạm tội của người chưa thành niên không những tăng về số vụ án mà tăng về mức độ nguy hiểm. Nhiều vụ đối tượng chưa thành niên gây án một cách dã man, côn đồ, hung hãn, dùng nhiều hung khí nguy hiểm và có nhiều đối tượng băng nhóm tham gia.

Bùng phát băng nhóm tội phạm chưa thành niên ảnh 2

Nạn nhân của… ly hôn

. Nhưng một đứa trẻ sinh ra không tự nhiên trở thành tội phạm, thưa ông?

+ Đúng thế, hầu hết các đối tượng gây ra các vụ án mang tính bạo lực đều là những người có những tổn thương về mặt tâm lý. Bản thân họ đã phải chịu sự thiệt thòi, mất mát như không được chăm sóc, giáo dục chu đáo ngay từ nhỏ. Thậm chí họ đã từng là nạn nhân của các hành vi bạo lực. Nhiều người chưa thành niên gây án một cách dã man, bệnh hoạn do sự rối loạn về tâm lý, sự lệch lạc về nhân cách. Những khuyết tật về tâm lý làm cho đối tượng hay bị kích thích bởi các hành vi bạo lực và mất kiểm soát dẫn đến “say máu” khi thực hiện tội phạm.

Điển hình như vụ Lê Tuấn Anh, sinh năm 1995, học sinh lớp 11 Trường THPT Quảng Xương III, Thanh Hóa. Người này đã giết và vứt xác nạn nhân xuống sông vào đêm 11-8-2012. Tuấn Anh từng là bạn học với em Ngọc nhưng bị cha mẹ bỏ rơi, sống lang thang và có nhiều hành vi lệch lạc như hay gây gổ đánh nhau, phá phách, trộm cắp vặt, thích rình mò phụ nữ tắm và lấy trộm đồ lót của họ. Động cơ gây án ngoài việc Tuấn Anh yêu em Ngọc nhưng không được Ngọc chấp nhận thì còn do bởi sự ảo tưởng về tâm lý của đối tượng. Tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, Tuấn Anh đã khai: “Cháu cùng họ Lê với anh Lê Văn Luyện nên cháu phải làm việc gì đó giống với anh ấy”.

. Vậy lỗi nằm ở giáo dục gia đình, trường học hay xã hội?

+ Tổ chức SIDA từng có điều tra, nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy lứa tuổi vị thành niên đang có xu hướng tiếp nhận thụ động các giá trị lệch chuẩn. Họ biết sai nhưng mặc kệ và mặc nhiên chấp nhận. Các yếu tố này được tạo từ môi trường, gia đình và xã hội.

. Cụ thể yếu tố gia đình đã tác động như thế nào đến các em, thưa ông?

+ Gia đình hiện đại hiện nay có cấu trúc khuyết. Nghĩa là xu hướng sống đơn thân nhiều, ly hôn nhiều… hay nói cách khác là gia đình không hoàn hảo ngày càng nhiều. Nên việc quan tâm chăm sóc con cái đối với nhiều gia đình không được như trước nữa. Đời sống hiện đại cũng chi phối nên đối tượng này không được chăm sóc chu đáo như xưa.

Tôi được biết hiện nay có nhiều học sinh đi học như là… học thuê. Nghĩa là con cái không muốn đi học nên bố mẹ phải trả vài trăm ngàn đồng mỗi tuần để thuyết phục con đi học. Thậm chí có những gia đình giàu có còn cho vài ba triệu đồng một tuần để con mình đến trường. Mới đây, chúng tôi có cuộc điều tra xã hội học ở các trường phổ thông xem các em có thích đi học không thì có một bộ phận các em nói là không biết. Thực tế không thích hoặc thích học là bình thường nhưng việc lệch lạc và mất phương hướng khi không biết thích hay không thích đi học mới là đáng ngại.

Tương tự, năm 2011 trong cuộc điều tra xã hội, chúng tôi được biết hiện nay nhiều học sinh cấp ba thích thuê nhà sống với bạn bè hơn là với gia đình. Một phòng trọ chưa đầy 8 m2 nhưng 4-5 người ở. Đáng ngại là trai, gái ở lẫn lộn nhau, chúng sẵn sàng đổi bồ cho nhau. Ban ngày thì bỏ học ở nhà ngủ, ban đêm thì đi cà phê lên mạng, hay ra các ngã tư chơi… Một nhóm đối tượng này có lối sống buông thả, bầy đàn.

. Thế còn các yếu tố khách quan khác thì sao, thưa ông?

+ Nói chung, người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là những người sống trong môi trường không lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc và bị tiêm nhiễm bởi lối hành xử bạo lực ngay từ gia đình, từ bạn bè, phim ảnh, game trực tuyến. Ngoài ra còn phải kể đến các yếu tố như sự yếu kém của bộ máy nhà nước trong quản lý các hoạt động dịch vụ xã hội làm cho những tác động tiêu cực từ mạng Internet, các loại tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm đang thâm nhập sâu vào đời sống. Chính sự lỏng lẻo trong quản lý, sự thờ ơ không chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và sự hời hợt trong công tác điều tra… dẫn đến sự lộng hành của nhiều đối tượng và băng nhóm trong thời gian qua.

Cần thành lập tòa án cho trẻ vị thành niên

1. Thành lập tòa án gia đình và người chưa thành niên

Bùng phát băng nhóm tội phạm chưa thành niên ảnh 3

Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đều có tòa án dành cho đối tượng vị thành niên, tuy nhiên tên gọi có thể khác nhau. Hoặc là tòa án hoặc là cơ quan chuyên trách nhưng là cơ quan độc lập. Như ở Nga và một số nước trên thế giới. Việc Việt Nam đang có dự thảo về việc thành lập tòa án gia đình và người chưa thành niên phù hợp với xu thế thế giới và tính cần thiết khi tội phạm đối tượng này ngày càng tăng. Tòa án này độc lập nhưng nằm trong TAND.

Hiện nay, trong Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có một chương về thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên. Bộ luật Hình sự cũng có chương quy định về trách nhiệm hình sự với đối tượng này. Vậy thì trong mô hình tòa án cũng nên có tòa chuyên trách để xét xử các vụ việc liên quan.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay các vụ tội phạm không chỉ đơn lẻ mà nhiều trường hợp băng nhóm với nhiều thành phần lẫn lộn khác nhau vừa thành niên vừa chưa thành niên. Việc lẫn lộn giữa các thành phần dẫn tới quá trình xét xử sẽ diễn ra phức tạp hơn. Vì thế phải có những quy định cụ thể hơn nữa, ví dụ thẩm phán đặt ra yêu cầu gì, đạt chuẩn nào, sự tham gia của thành phần nào, luật sư bào chữa ra sao… Để đạt được mô hình như các nước tiên tiến trên thế giới thì các cơ quan phải điều tra dưới hình thức thân thiện. Điều tra thân thiện nghĩa là hoạt động điều tra được thực hiện trong một môi trường và mối quan hệ gần gũi giữa cán bộ công an và trẻ em bị nghi vấn phạm pháp. Biểu hiện bằng thái độ, lời nói và hành vi đối xử tốt đẹp. Trong đó chú trọng nhất là tìm ra, chỉ ra được nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Từ đó mới có giáo dục cải tạo tốt. Thậm chí khi đã có tòa án hay là một cơ quan chuyên trách cũng nên tổ chức hệ thống trại giam riêng. Hoặc trong các trại giam có các khu phân trại riêng biệt đối với người chưa thành niên.

2. Vận động các nhà sản xuất không sản xuất dao nhọn

Động cơ phạm tội của trẻ vị thành niên không rõ ràng. Nhiều khi chỉ là mâu thuẫn về sở thích cũng có thể gây ra thương tích. Như vụ việc ở Cần Thơ chỉ là học sinh lớp 11 đến nhà bạn ăn cơm, người ăn trước, người ăn sau rồi bực quá bỏ về. Trên đường về vẫn còn tức nên quay lại đem dao đâm bạn. Từ việc điều tra thân thiện vừa để tìm cách giáo dục và đánh giá phân biệt rõ hơn động cơ phạm tội và mục đích phạm tội. Vai trò của từng đối tượng trong băng nhóm đó. Người chưa thành niên thường nhận thức chưa đầy đủ nên hành động chỉ là để hả giận.

Cậu con trai tôi chỉ mới học lớp 7, khi nghe dặn không giao lưu nhiều với nhóm này nhóm kia thì nhận được câu trả lời: “Bố ạ, không nói là tốt nhưng không nói nhiều khi nó lại bảo thằng này khinh người rồi nó đánh cho”. Thậm chí cậu bé còn kể khi lên cấp ba việc đánh nhau là thường xuyên nên đứa nào cũng có dao cả. Có thể sự việc không hoàn toàn như thế nhưng đó là cách suy nghĩ của chúng… Ở lứa tuổi này dễ bị kích động và rơi vào phạm pháp.

Ngoài các giải pháp như giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội hay điều tra thân thiện, tôi nghĩ nên vận động không sản xuất dao nhọn. Còn việc nhập dao nhọn cũng nên cấm, nếu phát hiện nhập lậu phải xử lý thật nặng. Riêng với những loại dao nhọn đang tồn tại trong dân thì Nhà nước nên bỏ một số tiền nào đó để đổi. Phải có giai đoạn tuyên truyền thật tốt giống như chuyển đổi từ việc đội mũ bảo hiểm. Chứ như hiện nay, việc sử dụng súng thì đương nhiên bị cấm hoặc người ta sẽ hỏi mua làm gì. Dao tự chế cũng dễ bị hỏi và loại này cũng dễ bị phát hiện. Nhưng đi mua một con dao nhọn đủ kiểu chả ai hỏi mua làm gì. Vì thế rất nhiều vụ án đều liên quan tới hung khí là dao nhọn.

PGS-TS PHẠM QUANG PHÚC, Trưởng khoa Nghiệp vụ cảnh sát hình sự ĐH Cảnh sát TP.HCM

Những con số

Theo báo cáo mới đây của tỉnh Bạc Liêu từ năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, tình hình phạm tội lứa tuổi vị thành niên không chỉ tăng về số vụ mà báo động mức độ nguy hiểm. Với gần 50 vụ thì có tới trên 80 trẻ em vi phạm pháp luật

Tương tự như vậy, tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, tổng kết sáu tháng đầu năm cho thấy số vụ do người chưa thành niên gây ra có mức độ rất nghiêm trọng. Trong năm vụ đối tượng vị thành niên phạm tội thì có hai vụ cố ý gây thương tích, hai vụ trộm cắp tài sản và một vụ gây rối trật tự công cộng. Ở các vụ ẩu đả, đánh người gây thương tích cả hai bên đều sử dụng hung khí như dao, mã tấu, gậy gộc… mức độ vi phạm hết sức phức tạp.

Vụ án chấn động

Tháng 8-2012, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt Phan Văn Quang (xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), kẻ dùng liềm cắt cổ tài xế taxi. Quang khai một lần đi bán điện thoại cho anh L. Anh L. bảo: “Chiếc điện thoại rách này thì ai mua!”. Cho rằng mình bị sỉ nhục nên Quang đã vạch kế hoạch sát hại anh L.

 Vụ án chấn động năm 2011: Đào Thị Thu Hương (tức My “sói”), sinh năm 1996, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội và các đối tượng Trịnh Thăng Long (chồng My “sói”), Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Đức Hoàng phạm các tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản. Do cần tiền tiêu xài, My “sói” và các đối tượng trên đã lợi dụng qua chat trên Internet để lừa các em gái đưa vào nhà nghỉ đánh đập, hiếp dâm tập thể và cướp tài sản.

YÊN TRANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm