Bán đất không làm được giấy, tự ghi giấy nợ
Theo hồ sơ năm 2007, ông T. mua của vợ chồng ông A. mảnh đất có diện tích 448 m2 tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với giá 32 chỉ vàng 24K.
Đất này ông A. mua của bà P. và bà này vẫn đứng tên quyền sử dụng đất.
Đến khi ông T. đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không làm được do đây không phải là đất thổ cư nên không tách được giấy. Ông T. gặp ông A. để trao đổi thì ông A. đã viết một tờ giấy nhận nợ ông T. 14 chỉ vàng 24K.
Do ông A. không trả vàng cho ông T. nên phát sinh tranh chấp. Ông T. buộc ông A. phải trả 14 chỉ vàng 24K, còn ông A. cho rằng do bị đe dọa mới viết giấy nhận nợ nên không đồng ý trả.
Xử sơ thẩm vào tháng 8-2016, TAND huyện Thới Lai nhận định hai bên cùng có lỗi là không xem thực tế trên giấy là loại đất gì mà chỉ nói miệng với nhau, trong khi trên giấy thể hiện rõ đất ông T. mua lại của ông A. không phải đất thổ cư. Do đó, chỉ buộc ông A. phải chịu 1/2 lỗi của mình trên số vàng đã hứa trả cho ông T. theo biên nhận ngày 22-8-2015, tức là 7 chỉ vàng 24K.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, cả hai bên nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo.
Tự ghi thì... tự trả
Ngày 14-3, TAND TP Cần Thơ sau khi xét xử đã nhận định nội dung vụ án như trên và cho rằng năm 2007 hai bên mua bán bằng giấy tay, không nói là đất gì, cũng không có xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để thuận tiện cho ông T. sau này làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngày 11-8-2015, ông T. và ông A. có thỏa thuận lập một tờ giấy tay với nội dung ông A. bán cho ông T. 448 m2 đất, giấy ghi đất thổ cư. Tại tòa, ông A. thừa nhận giấy này do ông viết nên ngay từ đầu ý chí của ông A. là bán đất thổ cư cho ông T.
Do ông T. không tách được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đất này không phải đất thổ cư nên ông T. gặp ông A. yêu cầu trả lại một phần tiền để ông T. chuyển thành đất thổ cư, làm giấy riêng. Đến ngày 22-8-2015, ông A. viết giấy nhận nợ, đồng ý trả lại cho ông T. 14 chỉ vàng 24K.
Theo tòa phúc thẩm, ông A. cho rằng không hiểu biết pháp luật và bị ông T. đe dọa nên mới viết giấy nhận nợ như trên là không có cơ sở vì không có chứng cứ chứng minh. Việc ông A. viết giấy nhận nợ ông T. 14 chỉ vàng 24K là sự tự định đoạt của đương sự, không có chứng cứ gì thể hiện ông A. bị ép buộc nên ông A. phải thực hiện nghĩa vụ này với ông T.
Từ đó, tòa phúc thẩm quyết định chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu của ông T. buộc ông A. phải trả cho ông T. 14 chỉ vàng 24K.