Ngày 12-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tỉnh này thuê đơn vị thẩm định độc lập thẩm định, xác định lại chất lượng toàn bộ các tàu cá vỏ thép trên địa bàn tỉnh. “Kết quả kiểm tra của Sở NN&PTNT cho thấy dù mới đóng nhưng nhiều tàu vỏ thép của ngư dân đã bị hư hỏng trầm trọng, số lượng tàu bị hỏng quá lớn. Nguyên nhân là các nhà máy đóng tàu gian dối, lừa ngư dân, làm không đúng hợp đồng giờ lại tìm cách đổ lỗi cho ngư dân” - ông Châu nói.
Tàu mới đóng đã hư hỏng nặng
Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định), có đến ba trong năm tàu cá vỏ thép của ngư dân tỉnh này do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng mới bị hư hỏng nặng. Cụ thể là thân vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị cả ba tàu này đều bị gỉ sét, hư hỏng, xuống cấp trầm trọng chỉ sau vài chuyến đi biển. Máy tàu cũng bị hư hỏng, không thể hoạt động. Ngoài ra, hầm bảo quản, hệ thống lạnh, két dầu, máy dò cá… đều bị hỏng.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đóng mới 20 tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định thì có đến 12 chiếc bị hỏng. Trong đó, tình trạng hư hỏng phổ biến là máy chính bị hư hỏng, thân vỏ tàu bị gỉ sét, máy phát điện, hầm bảo quản không hoạt động được…
Kết quả kiểm tra cho thấy hai công ty trên đã đóng tàu cho ngư dân không đúng theo hợp đồng ký kết. “Công ty Đại Nguyên Dương đã sử dụng thép Trung Quốc thay thế Hàn Quốc/Nhật Bản là không đúng theo hợp đồng” - ông Tâm cho hay.
Tại cuộc làm việc giải quyết tình trạng tàu vỏ thép hư hỏng do UBND tỉnh Bình Định tổ chức chiều 10-5, ông Trương Văn Đài, Phó Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, thừa nhận: “Công ty có chuyển đổi từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang dùng thép Trung Quốc với giá trị tương đương. Tuy nhiên, không phải cứ thép Trung Quốc là xấu. Thép Trung Quốc cũng rất tốt!”. Khi nhiều ý kiến chất vấn vì sao làm không đúng hợp đồng, việc thay thế thép đóng tàu này có được sự đồng ý của chủ tàu chưa, ông Đài không đi thẳng vào vấn đề. Trong khi đó, ông Đài cho rằng tàu mới đóng nhưng bị gỉ sét là do thời tiết trên biển khắc nghiệt.
Mới hoạt động chưa được một năm, tàu vỏ thép của ông Nguyễn Văn Lý (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã bị hư hỏng, không thể ra khơi. Ảnh: VĐT
Phải giải phẫu tàu để kiểm tra đối chiếu
Tại cuộc làm việc trên, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, cho rằng máy tàu là máy mới, hàng nhập khẩu, còn việc tàu bị hư hỏng là do ngư dân sử dụng chưa thành thạo! “Riêng về phần sơn, sơn vẫn chất lượng nhưng gỉ sét là vì nước biển rất mặn” - ông Hùng giải thích.
Chủ trì cuộc làm việc, ông Trần Châu đã phản ứng gay gắt cách giải thích của lãnh đạo Công ty Nam Triệu. “Máy mới thì làm sao chỉ vài chuyến đi biển đã bị hư hỏng. Về tàu gỉ sét, ông nói rất thiếu trách nhiệm. Nước biển nào không mặn! Nếu ngư dân không biết bảo quản thì tại sao nhiều doanh nghiệp khác đóng tàu thì không bị gỉ sét, máy móc đều tốt mà giá thành lại rẻ hơn? Ông nói vậy là mị dân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân làm những điều không đúng!” - ông Châu nói.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), Công ty Nam Triệu đóng bảy tàu vỏ thép cho ngư dân huyện này thì sáu chiếc bị hư hỏng liên tục. “Bà con ngư dân đề nghị cần phải “giải phẫu” các con tàu ra để kiểm tra. Người nào sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Còn ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết ngư dân địa phương này đóng mới chín tàu vỏ thép thì có bốn chiếc bị hỏng. Do bị sự cố liên tục nên có đến tám chiếc bị lỗ nặng sau các chuyến đi biển. “Làm ăn không đúng hợp đồng dẫn đến tình hình hiện nay khiến ngư dân lâm nợ. Nếu ngư dân khởi kiện ra tòa, chính quyền sẽ hỗ trợ bà con hết mình” - ông Tân nói.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nhiều tàu vỏ thép hư hỏng nặng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động là do không có tư vấn giám sát quá trình đóng tàu. “Ngư dân chưa biết gì về tàu vỏ thép nhưng suốt quá trình đóng tàu lại không có giám sát độc lập. Các công ty đóng tàu muốn làm gì thì làm. Trước đây chúng tôi có đề nghị ngư dân thuê tư vấn giám sát nhưng bà con sợ tốn tiền. Các ngân hàng cho vay cũng không giám sát việc thi công” - ông Hổ nói.
Ông Trần Minh Vương (ngụ huyện Phù Cát, chủ tàu BĐ 99027 TS do Công ty Đại Nguyên Dương đóng) cho hay: “Tàu của tôi đóng chưa được một năm mà đã hư hỏng rất nhiều, gia đình tôi phải tốn hàng trăm triệu đồng sửa chữa. Chúng tôi yêu cầu công ty chịu chi phí sửa chữa vì họ làm không đúng theo hợp đồng. Nếu họ không khắc phục, chúng tôi sẽ kiện ra tòa để làm cho ra lẽ!”.
Buộc tháo thép Trung Quốc để đóng lại
Ông Trần Châu cho hay trước mắt UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các công ty Nam Triệu, Đại Nguyên Dương phải khắc phục, xử lý ngay các hư hỏng của các tàu vỏ thép trong vòng một tháng tới để ngư dân ra khơi. Theo đó, tỉnh buộc Công ty Đại Nguyên Dương phải tháo gỡ thép Trung Quốc, làm lại bằng thép Hàn Quốc theo đúng hợp đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu hai công ty trên phải hỗ trợ một phần kinh phí cho ngư dân do tàu cá không thể ra khơi, không có thu nhập. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện Công ty Nam Triệu đã cam kết chịu mọi chi phí sửa chữa, bảo hành khắc phục sự cố hư hỏng máy thủy chính, máy phát điện, vỏ tàu, đồng ý hỗ trợ một phần chi phí thiệt hại của chủ tàu do sự cố hỏng máy gây ra. Công ty Đại Nguyên Dương cũng chấp nhận chịu mọi chi phí kéo tàu vào Cam Ranh (Khánh Hòa) để sửa chữa toàn bộ vỏ tàu bị gỉ sét, khắc phục các hư hỏng. “Đại diện hai công ty đóng tàu giải thích không đúng, muốn đổ lỗi cho ngư dân. Tôi đã giao chủ tịch UBND các huyện ven biển có trách nhiệm hướng dẫn cho ngư dân làm thủ tục, hỗ trợ về pháp lý nếu bà con khởi kiện các công ty đóng tàu ra tòa. UBND tỉnh sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan đến vụ việc này” - ông Châu nói.
Tàu vỏ thép ở Phú Yên cũng bị hư hỏng Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 12-5, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết đã giao Chi cục Thủy sản làm việc, yêu cầu các công ty đóng tàu sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, sự cố của hai tàu vỏ thép ở địa phương này. “Chúng tôi đang báo cáo các cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân có tàu bị hư hỏng” - ông Tùng nói.
Theo ghi nhận của Chi cục Thủy sản, tàu vỏ thép của ông Phan Văn Trị (ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) do liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng thiết kế, thi công. Tàu được bàn giao hồi tháng 9-2016 nhưng đã bị hư hỏng chỉ sau gần năm tháng hoạt động. Theo phản ánh của ông Trị, tàu gãy cây sào chụp lưới, gây thiệt hại nặng. Ngoài ra, ba máy phát điện liên tục bị hỏng, ngừng hoạt động. Trong khi đó, tàu vỏ thép của ông Đỗ Ngọc Tín (ngụ xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) cũng do liên danh Công ty Đông Á - Công ty Phà Rừng đóng bị nhiều lỗi. Tàu có thiết kế tải trọng hơn 120 tấn nhưng chỉ chở 50 tấn đã chìm vượt mực nước đăng kiểm. Chỉ với sóng cấp 5-6, tàu lắc lư không thể đánh bắt được. Tổng rà soát các cơ sở đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết Bộ NN&PTNT đã đề nghị UBND các tỉnh, TP ven biển tổng rà soát các cơ sở đóng tàu để đảm bảo đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời đề nghị các tỉnh nâng cao trách nhiệm giám sát chất lượng của các cơ sở đóng tàu và thực hiện tốt việc duy tu, sửa chữa cho các tàu vỏ thép, đảm bảo các tính năng kỹ thuật, sử dụng lâu dài của tàu”. “Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá và công bố cơ sở đóng tàu vỏ thép đủ điều kiện trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn ngư dân, chủ tàu trên địa bàn các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định… Cùng đó phải có biện pháp quản lý, giám sát chủ tàu thực hiện nghiêm việc kiểm tra an toàn kỹ thuật đúng thời hạn” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết thêm. |