Đúng như dự kiến, sáng nay (25-4), TAND TP.HCM đã tuyên án vụ buôn lậu mà người chủ mưu, cầm đầu vụ án được cho là mắc bệnh tâm thần.
HĐXX đã tuyên phạt về Huỳnh Thanh Khiết 12 năm tù, Lê Thanh Tùng chín năm tù, cùng về tội buôn lậu. Mức án tuyên là nặng hơn so với đề nghị của VKS trước đó (VKS đề nghị bị cáo Tùng 7-8 năm tù, Khiết 5-6 năm tù).
HĐXX nhận định căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại có đủ căn cứ xác định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội. HĐXX cho rằng không dùng lời khai của Phương để buộc tội đối với các bị cáo. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có một số sai sót về tố tụng, tuy nhiên những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án. Từ đó, HĐXX đề nghị cơ quan điều tra cần rút kinh nghiệm không để tình trạng tương tự xảy ra đối với các vụ án khác.
Hai bị cáo bị dẫn về trại giam sau phiên xử. Ảnh: HOÀNG YẾN
Liên quan tới vấn đề giám định tâm thần đối với Nguyễn Thanh Phương, TAND TP.HCM đã từng trả hồ sơ yêu cầu làm rõ. Trong quyết định trả hồ sơ, tòa nêu rõ VKS ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với ông Phương là chưa phù hợp. Bởi lẽ, kết luận giám định tâm thần nêu: “Hện nay đương sự chưa đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật” chứ không xác định ông Phương mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tòa cho rằng cần điều tra làm rõ và yêu cầu Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa giải thích về kết luận trên là thuộc trường hợp mất năng lực, hạn chế năng lực hay đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Sau đó, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có văn bản trả lời Nguyễn Thanh Phương mất năng lực điều khiển hành vi.
HĐXX cho rằng tòa đã hết vai trò trách nhiệm của mình, nếu sau này phát hiện kết quả giám định tâm thần có sai sót thì trách nhiệm không thuộc về HĐXX.
Trong vụ án này, các bị cáo chỉ là người làm công, phạm tội với vai trò đồng phạm không đánh kể, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên HĐXX cũng xem xét trong quá trình nghị án. Nguyễn Thanh Phương là người trực tiếp chỉ đạo, nhưng hiện nay Phương đã mất năng lực hành vi, Viện kiểm sát ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với ông Phương là phù hợp.
Như PLOđã phản ánh, cáo trạng xác định Phương sử dụng hai doanh nghiệp (trong đó có một công ty do vợ Khiết làm giám đốc) để nhập khẩu hàng điện máy đã qua sử dụng nhưng khai báo hải quan là máy móc công nghiệp. Phương chỉ đạo Tùng nhận email thông báo hàng về đến cảng rồi báo cho Khiết để đến cảng lấy giấy tờ về giao lại cho Tùng. Tùng sử dụng chữ ký số của giám đốc hai công ty để đăng ký mở tờ khai hải quan điện tử, truyền dữ liệu qua mạng. Chữ ký bên bán do Tùng tải về từ Internet rồi in ra, đóng vào hồ sơ hải quan. Sau khi hoàn tất hồ sơ ảo, Tùng đưa cho Khiết đi làm thủ tục nhập khẩu tại cảng.
Khiết cầm hai bộ hồ sơ đến Chi cục Hải quan cảng Hiệp Phước làm thủ tục khai báo nhập khẩu hàng. Do hai tờ khai được phân luồng vàng nên lô hàng không bị kiểm tra thực tế. Hai lô hàng nhập lậu có tổng giá trị hơn 4,2 tỉ đồng. Đến ngày 9-9-2015, Phương gọi điện thoại cho Khiết báo rằng hàng đã bị công an bắt và chỉ đạo Khiết về Tây Ninh lánh mặt. Đến ngày 2-10-2015, hai đối tượng này ra trình diện.
Và sau cùng, trong hồ sơ vụ án, Phương được xác định là bị bệnh tâm thần nên thoát tội ngoạn mục, tính cho đến lúc này.