Sáng 27-4, chúng tôi đến cửa biển Lạch Roòn (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch). Một quang cảnh vắng lặng bao trùm cả dải bờ biển với những chiếc tàu, thuyền thúng, thuyền nan chuyên khai thác gần bờ được những ngư dân nơi đây kéo lên bờ đậu san sát vào nhau.
Một số bà con ngư dân cho biết trước tình trạng cá chết hàng loạt liên tiếp tấp vào bờ khiến tâm lý của bà con nơi đây vô cùng hoang mang, lo lắng. Bởi có lên thuyền ra khơi khai thác thì những loại thủy hải sản đánh bắt được cũng không có ai mua nên bà con đành kéo thuyền lên bờ rồi ngồi thẩn thờ, mắt buồn nhìn hướng biển.
Ngư dân Trương Văn Cương (43 tuổi, trú thôn Đông Cạn, xã Cảnh Dương) thở dài: “Hơn nửa tháng nay, bà con không ai dám lên thuyền ra khơi đánh bắt chú nờ. Bởi có đánh bắt được thì bán không có ai mua, tình trạng ni mà còn kéo dài nữa chắc tui và bà con nơi đây chết đói là cái chắc”.
Cũng theo anh Cương, thời điểm này là vụ chính để bà con đánh bắt các loại thủy hải sản. Những năm trước thời điểm này luôn náo nhiệt, từ sáng đến chiều tấp nập các con thuyền vào ra cùng những thương lái đến thu mua cá thủy hải sản.
Anh Lê Văn Thắng (53 tuổi, trú thôn Đông Dương, xã Cảnh Dương) nói: “Tui dong thuyền ra khơi đánh bắt cách bờ khoảng 10 hải lý, cả một vùng biển bốc mùi hôi thối nồng nặc, xác cá biển đủ loại từ nhỏ đến to nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Bây chừ có ai dám ra biển để đánh nữa mô, đành kéo thuyền lên bờ thôi chứ biết mần răng”.
Một thực trạng đáng báo động đang diễn ra ở vùng biển này, theo một số ngư dân là nguồn nước đã quá ô nhiễm. Ngư dân nhảy xuống nước khi lên lại thuyền thì cơ thể vô cùng ngứa ngáy phải tắm liền nếu không sẽ xuất hiện các nốt đỏ ngứa không chịu nỗi nên ai cũng sợ không dám nhảy xuống biển nữa.
Hiện tình hình đời sống của bà con ngư dân nơi đây vô cùng khó khăn, mọi sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn. Trước đây vào thời điểm này, bà con chỉ ra khơi một đêm đến sáng về đưa các loại thủy hải sản đánh bắt được đem bán cho thương lái thu về từ 1 đến 2 triệu đồng để nuôi sống gia đình… nhưng hiện tại, tất cả thuyền nơi đây đều phải neo đậu hoặc kéo lên bờ vì có cá đâu mà khai thác.
Qua tìm hiểu, được biết bà con nơi đây không ai dám ăn các loại cá biển nữa, bữa cơm hằng ngày của người dân chỉ toàn là cà, dưa, các loại mắm để dành từ vụ khai thác năm trước.
Theo tính toán sơ bộ, tình trạng cá chết hàng loạt đã ảnh hưởng đến 2.300 tàu và 500 thuyền nhỏ đánh bắt cá ven biển, 350 hộ sản xuất muối tại huyện Quảng Trạch cùng các hộ đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ du lịch… Với tổng thiệt hại ước tính khoảng 115 tỉ đồng. Ngày 26-4, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá biển chết hàng loạt. Hội nghị do ông Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố ven biển. Tỉnh Quảng Bình đã trích 500 tấn gạo hỗ trợ ngư dân, các hộ làm muối, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng với mức 10 kg/khẩu. |
Các tàu, thuyền nan, thuyền thúng, ngư cụ được bà con ngư dân xã biển Cảnh Dương kéo lên bờ.
Các tàu, thuyền nan, thuyền thúng được bà con ngư dân xã biển Cảnh Dương kéo lên bờ.
Ghẹ chết
Ốc biển cũng chung số phận
Và cá vẫn tiếp tục chết, tấp vào bờ biển xã Cảnh Dương