Chiều 26-4, TS Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang (đóng tại Nha Trang, Khánh Hòa), cho biết viện đã thành lập một nhóm gồm 10 chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực của viện, tham gia nghiên cứu, xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại các tỉnh Trung Trung Bộ.
Hiện nay, cùng với việc thu mẫu do cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận rất nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước, qua đó đánh giá, tìm hiểu các quá trình diễn ra trong biển liên quan đến hải dương học, sinh thái học, mối liên quan với sự cố đang diễn ra tại vùng biển các tỉnh trên.
Theo TS Tuấn, hiện mỗi ngày nhóm chuyên gia thảo luận 1-2 lần kết quả cụ thể để sớm có kết luận, báo cáo các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
“Đây là hiện tượng rất bất thường. Trong lịch sử đã từng ghi nhận hiện tượng cá biển chết hàng loạt nhưng với quy mô, số lượng, không gian lớn như thế này thì chưa phát hiện ở Việt Nam, mặc dù đến thời điểm này vẫn chưa có số liệu chính xác không gian thực sự bị ảnh hưởng” - TS Tuấn nói.
Nhiều loại cá lớn cũng chết bất thường, dạt vào bờ biển miền Trung. Ảnh: ĐẮC LAM
Cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, cũng khẳng định hiện tượng cá biển chết với quy mô nhiều tỉnh như vừa qua lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam.
“Đặc biệt, cá chết phần lớn là sinh vật sống ở đáy, dưới tầng sâu, những loài này có khả năng chịu đựng rất lớn. Điều đó cho thấy có sự tác động rất mạnh. Tuy nhiên, đó chỉ mới là phần cá chết nổi lên. Điều nguy hiểm nhất chính là hệ sinh thái, sự sống khu vực đáy bị tàn phá, hủy diệt. Điều này sẽ để lại di chứng 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa và để khôi phục phải mất vài chục năm. Tình trạng này cũng ảnh hưởng rất lớn đến cả hệ thống kinh tế biển, trực tiếp nhất là sinh kế của ngư dân. Điều này khoa học đã cảnh báo lâu nay rồi” - PGS- TSKH Nguyễn Tác An nhận định.
Đưa ra các giả thuyết nguyên nhân gây ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt, PGS- TSKH Nguyễn Tác An nói: “Hệ sinh thái bị tác động một cách hủy diệt như vậy là do chất lượng môi trường biển thay đổi hoặc do nguồn thải trong bờ ra hoặc do nguồn thải công trình ngầm ngoài khơi tràn vào. Ở vùng ven bờ, với phạm vi xảy ra lớn như vậy thì chỉ có những chất thải ra rất độc, số lượng nhiều, lan truyền rất nhanh, có hiệu ứng môi trường rất lớn… mới gây ra như vậy”.