Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng, thực tế còn rất nhiều vụ việc chưa bị phanh phui.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia pháp lý, nhà nghiên cứu cho rằng chỉ còn cách áp dụng luật Hồi tỵ mà cha ông ta từng thực hiện rất hiệu quả trong lịch sử.
Luật hồi tỵ được áp dụng lần đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) có quy định: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.
Quy định này được phát triển, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và triệt để hơn dưới thời Minh Mạng, thậm chí nghiêm cấm quan lại đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với người ở nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà dưới thời các vị vua anh minh này nước ta ổn định và phát triển rực rỡ về mọi mặt. Có thể khẳng định một trong những nguyên nhân đó là các triều đại này xây dựng được định chế quan lại khoa học, chặt chẽ, nghiêm khắc.
Thực tế, hầu hết vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật đều bắt nguồn từ công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Vì vậy, theo chúng tôi, cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu ban hành quy định về đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý theo hướng kế thừa một số điểm ưu việt của luật hồi tỵ.
Cần quy định rõ ràng đối với từng trường hợp người thân trong một gia đình, dòng họ không được giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong cùng một cơ quan, đơn vị, địa phương; những người cùng quê không cùng lúc giữ các chức vụ đứng đầu địa phương, đơn vị; cha mẹ, vợ chồng, con cái không cùng lúc làm trong một cơ quan, đơn vị...
Nếu làm nghiêm được điều này thì hiện tượng cha bổ nhiệm con, chồng đề bạt vợ, cả họ làm quan sẽ hạn chế đáng kể. Bộ máy quản lý có vậy mới trong sạch, giảm thiểu tiêu cực, bao che, nhũng nhiễu và quan trọng nhất là sử dụng người không vì tài đức mà vì “có quan hệ”.