Cà Mau sẽ thúc đẩy 'công dân điện tử', phản biện pháp luật

(PLO)- Chiến lược cải cách hành chính của Cà Mau trong 10 năm tiếp theo có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật là chương trình "công dân điện tử", xây dựng văn bản đơn giản, dễ hiểu, tăng cường vai trò phản biện, giám sát pháp luật của dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều nay (30-6), tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước 10 năm tiếp theo (2021- 2030).

Từ tháng 3-2022, Chủ tịch tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã ký quyết định ban hành Chương trình này. Đó là một chiến lược cải cách hành chính trên cơ sở kế thừa thành quả, đúc kết kinh nghiệm của 10 năm cải cách hành chính (2011-2020).

Một buổi họp trực tuyến ba cấp ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Một buổi họp trực tuyến ba cấp ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Cà Mau xác định trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tiếp theo là tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế của tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng. Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tổ chức trên mọi lĩnh vực.

Một trong rất nhiều phần việc phải thực hiện tới đây là tỉnh sẽ tăng cường vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, và cộng đồng trong phản biện và giám sát thi hành pháp luật.

Thúc đẩy phát triển "công dân điện tử" bằng việc đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nâng cao kỹ năng ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin vào giao dịch trực tuyến với hệ thống hành chính điện tử của Nhà nước.

Đặc biệt, tới đây, Cà Mau sẽ thực hiện một phần việc rất sát với mong đợi của nhân dân. Đó là "Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính, đảm bảo mọi thủ tục hành chính mới khi ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và đúng quy định".

Với 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính đã qua, tỉnh Cà Mau đánh giá khâu đột phá của tỉnh là cải cách thủ tục hành chính.

Cụ thể, hơn 1.000 thủ tục hành chính đã được cắt giảm thời gian thực hiện hoặc quy trình giải quyết. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn của tỉnh đạt đến 98%.

Cà Mau cũng là tỉnh sớm thành lập Trung tâm hành chính công, tiên phong thí điểm quản lý ô tô công tập trung... những việc này đã giúp nhân dân giảm thời gian, tiền bạc khi thực hiện các thủ tục hành chính, tiết kiệm được số tiền lớn cho ngân sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm