Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi bộ, ngành hữu quan đề nghị có ý kiến về một số kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau. Đáng chú ý, Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét cho tỉnh thực hiện thí điểm cơ chế “Giao đất đầu tư các dự án sau khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ven biển”.
Theo kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau, những năm gần đây, các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động tiêu cực và ảnh hưởng rất mạnh đến tỉnh. Do tỉnh có ba mặt tiếp giáp biển, nên tình trạng sạt lở đất bờ sông, bờ biển diễn ra rất nhanh và ngày càng nghiêm trọng, làm mất đai rừng phòng hộ ở nhiều đoạn, trung bình quân mỗi năm mất trên 800 ha.
Theo dự báo của các kịch bản BĐKH, Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng BĐKH ở vùng ĐBSCL. Cà Mau đã và đang áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống sạt lở như: Kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi, kè áp bờ... bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn chương trình nâng cấp đê biển, chương trình ứng phó BĐKH, ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn ngân sách địa phương… Đến nay, tỉnh đã xử lý khắc phục nhiều vị trí sạt lở xung yếu, với chiều dài trên 23,6 km, tổng vốn đầu tư 652 tỉ đồng… Qua kiểm tra, đánh giá hiệu quả từ các công trình kè, nhất là kè ngầm tạo bãi, kè kiên cố bằng bê tông cốt thép đã ngăn chặn được sạt lở, đồng thời tạo được bãi bồi để khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển.
Tuy nhiên, những nguồn lực được huy động đầu tư trong thời gian qua còn quá ít so với nhu cầu, tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh chưa được khắc phục kịp thời, trong khi đó BĐKH tiếp tục diễn biến phức tạp, diện tích mất rừng phòng hộ xung yếu ven biển ngày càng gia tăng.
Theo đó, từ đầu năm 2017 do ảnh hưởng của các cơn bão, cộng với gió mùa Tâỵ Nam hoạt động mạnh, mưa lớn kéo dài, xuất hiện lốc xoáy, kết hợp triều cường dâng cao, biển động mạnh gây sạt lở nhanh nhiều đoạn đê biển. Đê biển Tây có khoảng 57 km bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó có ba đoạn sạt lở rất nghiêm trọng với chiều đài gần 6 km; đê biển Đông có khoảng 48 km sạt lở nghiêm trọng, trong đó có bốn đoạn sạt lở rất nghiêm trọng với chiều đài khoảng 10 km… các đoạn sạt lở nói trên ảnh hưởng trực tiếp đến 1.250 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu.
Tình hình sạt lở bờ biển ở Cà Mau đã ảnh hưởng trực tiếp đến 1.250 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu. Ảnh: TH
Cũng theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các vùng quy hoạch ven biển của tỉnh; trong đó có đề xuất đầu tư kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi trồng rừng, qua đó chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích được bảo vệ phía bên trong để thực hiện các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, các quy định, chính sách liên quan về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng, về khu dự trữ sinh quyển... rất khó thu hút được các nhà đầu tư. Tỉnh đã thống nhất và có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét cho tỉnh thực hiện thí điểm cơ chế “Giao đất đầu tư các dự án sau khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ven biển” nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực hiện một số dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ..., kết hợp xây dựng công trình kè chống sạt lở, gây bôi tạo bãi trồng rừng, với những nội dung: Cho chủ trương, cơ chế cho thuê đất đối với phần diện tích được bảo vệ và phục hồi phía trong công trình kè chống sạt lở, với thời hạn từ 50 đến 70 năm, để khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ bờ biển.
Quy mô, diện tích cho thuê đất được xác định trên cơ sở diện tích được phục hồi và gây bồi tạo bãi, theo tỉ lệ kè phục hồi và tạo bãi được 1 ha thì được cho thuê không quá 5 ha phía trong liền kề; cho phép trồng rừng trên phần diện tích gây bồi, tạo bãi, xem đây là diện tích trồng rừng thay thế để chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp bên trong (kể cả đất rừng phòng hộ) để doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Cà Mau trong đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở khu vực ven biển tỉnh Cà Mau.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tỉnh xin cơ chế này mong huy động xã hội hóa trong việc đầu tư để bảo vệ bờ biển trong khi nguồn vốn ngân sách còn khó khăn và thiếu. Đồng thời khi hệ thống kè hình thành sẽ giữ được đất, phát triển được rừng từ đó tạo quỹ đất để thực hiện đầu tư các dự án. Do vậy, tỉnh rất mong Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét để thống nhất cho Cà Mau thực hiện”.