Cả năm, tiền quà biếu nộp lại chỉ 26 triệu đồng!

Chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội cuối năm, Chính phủ vừa có báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2011. Giống như báo cáo các năm trước, báo cáo lần này tổng hợp khá chi tiết kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần PCTN. Riêng trong mảng pháp luật về PCTN, các văn bản về khen thưởng người có thành tích tố cáo tham nhũng; công khai, minh bạch trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng đã được ban hành. Tuy nhiên, vẫn còn những văn bản “nợ” kéo dài như quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng...

Chưa quản được thu nhập ngoài lương

Trong nhóm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, năm 2011 được ghi nhận bằng những thành công bước đầu của Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Lần đầu tiên Việt Nam đã thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại bốn cấp và công khai trên Internet, đồng thời rút gọn, đơn giản hóa hàng ngàn thủ tục hành chính.

Việc minh bạch tài sản, thu nhập được siết chặt hơn một chút với Nghị định 68 (sửa đổi Nghị định 37 về kê khai tài sản) buộc phải công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị công tác, kèm theo chế tài với các lỗi chậm kê khai, kê khai không trung thực.

Tuy nhiên, trong nhóm phòng ngừa này, việc trả lương qua tài khoản vẫn chỉ áp dụng với lương mà chưa mở rộng tới thu nhập khác ngoài lương. Việc quản lý quà tặng theo Quyết định 64 ban hành từ năm 2007 vẫn không có mấy kết quả: Trong năm, cả nước chỉ có chín cán bộ, công chức nộp lại quà tặng “quá tiêu chuẩn”, tổng giá trị vẻn vẹn 26 triệu đồng!

Cả năm, tiền quà biếu nộp lại chỉ 26 triệu đồng! ảnh 1

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trao giải cho đại diện các đơn vị trong đề án tham gia Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011. Ảnh: TTXVN

Điều tra, phát hiện tham nhũng ngày càng ít

Số liệu trong báo cáo cho thấy việc phát hiện, xử lý hình sự các vụ tham nhũng vẫn gây nhiều băn khoăn. So sánh theo kỳ thống kê từ 1-10 năm trước đến 31-7 năm nay thì 10 tháng qua, cả nước phát hiện, khởi tố mới được 183 vụ tham nhũng với 394 bị can, giảm tương ứng 24% và 32% so với cùng kỳ trước đó. Việc truy tố, xét xử, dù có thụ lý từ những vụ án đã khởi tố trước đó, cũng giảm khá nhiều. Năm 2011 trở thành năm thứ tư liên tiếp việc điều tra, phát hiện tham nhũng của cơ quan điều tra các cấp giảm mạnh, trong khi chính Đại hội XI của Đảng đánh giá là vẫn chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.

Về kết quả điều tra, phát hiện tham nhũng, Chính phủ thừa nhận số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý được thống kê nêu trên chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Một số vụ việc tham nhũng do chính cơ quan tố tụng trung ương thụ lý, có sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN thì lại chậm chạp, kéo dài, hồ sơ trả đi lại nhiều lần, gây hoài nghi, giảm sút lòng tin dân chúng.

Giàu bất thường: Chưa quy định nghĩa vụ chứng minh

Với những kết quả nêu trên, báo cáo của Chính phủ xác định PCTN vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa tạo được tác động thực sự, làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức về tham nhũng. Tâm lý chấp nhận tham nhũng, tiêu cực để được việc vẫn còn phổ biến. Người dân - nạn nhân trực tiếp của tham nhũng - nhưng nhiều khi coi việc PCTN là của Nhà nước chứ không phải trách nhiệm của mình.

Ngay trong báo cáo này cũng chỉ ra là hiện chưa có quy định về áp dụng một số biện pháp, kỹ thuật điều tra đặc biệt với hành vi tham nhũng; chưa có quy định về nghĩa vụ chứng minh của người có chức vụ, quyền hạn trong trường hợp tài sản của họ tăng lên bất thường; thiếu quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng... Mặt khác, việc khắc phục những vướng mắc đó vẫn còn chậm.

Thí điểm bí thư, chủ tịch HĐND làm trưởng ban chỉ đạo

Những tháng còn lại của năm 2011 và sang 2012, các cơ quan Đảng, Nhà nước sẽ sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Luật PCTN, đồng thời sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia về PCTN đến 2020, qua đó đề xuất sửa đổi pháp luật về PCTN.

Tuy nhiên, với báo cáo công tác PCTN này, Chính phủ đề nghị vừa tiếp tục thực hiện quy định trưởng ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh là chủ tịch UBND, vừa thí điểm mô hình trưởng ban là bí thư cấp ủy hoặc chủ tịch HĐND tỉnh. Ngoài ra, bổ sung một số chức danh tổng kiểm toán, bộ trưởng Tài chính, bộ trưởng Nội vụ, chủ tịch MTTQ Việt Nam vào Ban Chỉ đạo Trung ương để đảm bảo sự chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên tất cả các lĩnh vực.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm