Cả nước có 77 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay, cho đến thời điểm này, các tỉnh, thành đã hoàn thành Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 theo quy định nhằm thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo báo cáo của UB Trung ương MTTQ Việt Nam về tình hình giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, tất cả các địa phương đã hoàn thành việc giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương ứng cử ĐBQH trên cơ sở điều chỉnh lần thứ nhất của UB Thường vụ Quốc hội. Theo đó, có 879 hồ sơ giới thiệu ứng cử trên tổng số 297 đại biểu được bầu.

Như vậy, nếu tính cả đại biểu của Trung ương được giới thiệu là 205 người thì tổng số người được giới thiệu ứng cử là 1.084 người, đạt tỷ lệ 2,17 người ứng cử/đại biểu được bầu.

Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 hôm 18-3 đã thông qua danh sách sơ bộ những người ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH. Ảnh: MTTQ

Về số lượng người tự ứng cử, tính đến ngày 17-3, cả nước sơ bộ có 77 người tự ứng cử ĐBQH tại 24 tỉnh, thành phố. Như vậy, tính cả số người tự ứng cử thì tổng số người ứng cử ĐBQH khóa XV là 1.161 người, đạt tỷ lệ 2,3 người/đại biểu được bầu.

Tới đây, UB MTTQ các địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử. Ông Thực cho hay: UB Trung ương MTTQ Việt Nam đã yêu cầu MTTQ các cấp lập kế hoạch hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người ứng cử về khu dân cư lắng nghe ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú.

Việc tổ chức hội nghị sẽ bảo đảm dân chủ, nghiêm túc, đúng quy định về bầu cử.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương sẽ do Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam triệu tập, chủ trì trước 17 giờ ngày 19-4 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH ở Trung ương. Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 ở các đia phương sẽ được tổ chức từ ngày 14 đến 18-4.

Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại Hội nghị cử tri nơi cư trú sẽ không được đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Trường hợp nào đặc biệt sẽ được báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương lần thứ ba xem xét, quyết định.

Ngày 23-4, Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ gửi biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH đến Hội đồng bầu cử quốc gia và UB Thường vụ Quốc hội.

Danh sách giới thiệu người ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư tối thiểu theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Trước đó, ngày 18-3, Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 ở Trung ương đã được UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. Danh sách sơ bộ đã được thông qua dù còn một số ý kiến băn khoăn của Đoàn Chủ tịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu ứng cử ĐBQH ở khối các cơ quan đảng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử ở khối Chủ tịch nước; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử ở khối Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ được giới thiệu ứng cử ở khối Quốc hội.

Nhiều chuyên gia nhận định: danh sách sơ bộ 205 người ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH có thể giúp hình dung ra những gương mặt mới sẽ đảm trách các vị trí trọng yếu ở các cơ quan nhà nước.

 

Có cần bầu đủ 500 ĐBQH?

Ở hội nghị hiệp thương lần thứ hai vừa qua, một số ủy viên Đoàn chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam lo ngại nếu làm không khéo có thể sẽ không bầu đủ 500 ĐBQH.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội quy định số lượng ĐBQH không quá 500 người bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Nghị quyết 1185 mà UB Thường vụ Quốc hội thông qua hồi tháng 2-2021 cũng dự kiến tổng số ĐBQH khóa XV là 500, gồm 207 đại biểu Trung ương và 293 đại biểu địa phương. Tuy vậy, sau hội nghị hiệp thương lần thứ 2 thì số người được giới thiệu ở Trung ương ứng cử ĐBQH chỉ có 205 người.

Cũng theo Nghị quyết trên, mỗi địa phương có ít nhất 6 ĐBQH. Các địa phương được phân bổ ĐBQH nhiều nhất gồm: TP HCM (30 đại biểu), Hà Nội (29 đại biểu), Thanh Hóa (14 đại biểu), Nghệ An (13 đại biểu), Đồng Nai (12 đại biểu), Bình Dương 11 (đại biểu).

Kỳ bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ XIV năm 2016 bầu được 494 đại biểu, không đạt số tối đa 500 như luật cho phép.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm