Cả trăm tỉ đồng tiền chính sách đã chi sai

“Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương nghiên cứu, đề xuất đề án cải cách chính sách với người có công, đánh giá toàn diện, đề xuất sửa đổi căn bản chính sách, đặc biệt quan tâm đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Người có công nhằm giải quyết hồ sơ tồn đọng, ngăn chặn tình trạng hồ sơ giả...”. Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thay mặt tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng trong buổi làm việc tại Bộ LĐ-TB&XH ngày 19-5 như trên.

Theo ông Mai Tiến Dũng, hiện vẫn còn nhiều trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ. Đặc biệt có tình trạng cán bộ cơ sở lợi dụng quyền hạn để trục lợi... Hiện số tiền hưởng sai đối với những trường hợp khai man, giả mạo hồ sơ rất lớn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thu hồi được: “Việc này khó khăn, vướng mắc ở đâu, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH giải trình...”.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: VIẾT LONG

Tổ công tác nhắc lại câu chuyện một phó chủ tịch xã ở Hà Nam khi còn làm cán bộ LĐ-TB&XH đã trục lợi hơn 30 triệu đồng của các đối tượng chính sách. “Ngay lập tức cán bộ đó nghỉ việc, bị khởi tố, số tiền tuy không lớn nhưng có ý nghĩa sâu xa. Nhà cán bộ thì hai tầng trong khi nhà các đối tượng chính sách rất nghèo nên việc này không thể chấp nhận được. Nếu đạo đức cán bộ không tốt thì rất dễ lợi dụng những kẽ hở của chính sách” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng trong năm 2016 và ba tháng đầu năm 2017, số tiền phải thu hồi của các đối tượng hưởng sai quy định với những trường hợp khai man, giả mạo hồ sơ người có công là 74 tỉ đồng nhưng mới thu hồi được 1/6 số này. Nguyên nhân không thể thu hồi được do các đối tượng tuổi cao sức yếu, đã chết hoặc thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mắc bệnh hiểm nghèo... không có khả năng nộp số tiền đã hưởng sai. “Vì vậy Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị Chính phủ xem xét ủy quyền cho bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quyết định miễn thu hồi đối với những trường hợp đã từ trần hoặc các đối tượng thuộc diện trên. Riêng đối với những trường hợp có điều kiện để nộp lại tiền hưởng sai quy định nhưng không chịu nộp, đề nghị quy định chế tài đủ mạnh để buộc họ trả lại cho ngân sách” - ông Tùng nói.

Về hồ sơ tồn đọng, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cũng cho rằng đến nay còn hơn 28.500 hồ sơ đang kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa được công nhận. Trong số này có hơn 5.000 hồ sơ đề nghị công nhận là thương binh, liệt sĩ, người hưởng chính sách như thương binh.

“Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các quy định; xem xét nghiên cứu cách làm mới để giải quyết các hồ sơ tồn đọng một cách chính xác và nhanh nhất. Đối với hồ sơ tồn đọng của liệt sĩ, thương binh, phấn đấu đến cuối năm 2017 phải giải quyết căn bản... Chiến tranh đã đi qua hàng chục năm mà nhiều người vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước… rất đau lòng...” - ông Dung trăn trở.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH quan tâm, làm rõ tám vấn đề. Trong đó có vấn đề được dư luận quan tâm như tình trạng xâm hại thân thể trẻ em gây nhức nhối xã hội, liên quan tới luân thường đạo lý xảy ra ở nhiều địa phương như Vũng Tàu, Hà Nội, Vĩnh Long, Cà Mau…

Sớm khen thưởng cho hai lão nông chống tham nhũng

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý thời gian qua báo chí đăng tải trường hợp ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn (Thuận Thành, Bắc Ninh) có thành tích giúp cơ quan chức năng “khui” gần 3.000 hồ sơ thương binh giả, giúp Nhà nước thu hồi được 150 tỉ đồng và giảm chi ngân sách hơn 20 tỉ đồng/năm. Bộ LĐ-TB&XH cần sớm quan tâm khen thưởng để khuyến khích, động viên phong trào tố cáo tham nhũng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm