Đã hơn 10 ngày qua kể từ khi chúng tôi đăng bài “Hai lão nông “khui” gần 3.000 hồ sơ thương binh giả”, đến nay ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn (Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn phải tiếp tục đợi bằng khen của bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (hai ông đã chờ đợi trước đó hai năm). Nguyên nhân chính là do tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa ký duyệt phần văn bản liên quan để hoàn tất thủ tục khen thưởng theo đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH.
Chưa ký vì lãnh đạo bận họp (?)
Thành tích của ông Uẩn và ông Lãng đã được Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận. Tuy nhiên, để khen thưởng cho hai ông theo Thông tư liên tịch 0/2015 của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng phải có văn bản hiệp y. Vì vậy, trong năm 2015 và 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã có hai văn bản gửi tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến hiệp y về tình hình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương của hai ông nhưng đều không được hồi đáp.
Sau khi báo chí vào cuộc, tỉnh Bắc Ninh cho rằng hai năm qua họ “chưa từng nhận được văn bản của Bộ” (?!).
Tuy nhiên, khi nhiều cơ quan ngôn luận lên tiếng, ông Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh Bắc Ninh, chỉ đạo Sở Nội vụ tiến hành trả lời văn bản của Bộ LĐ-TB&XH dựa trên thông tin báo nêu. Sau đó, Sở Nội vụ yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND huyện Thuận Thành xem xét về chế độ, chính sách cho hai ông.
Tuy nhiên, đến chiều tối 18-5, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh cho hay Bắc Ninh vẫn chưa ký duyệt văn bản này. Hiện văn bản này đang trong quá trình dự thảo và lãnh đạo tỉnh vẫn chưa ký vì bận họp (!?).
Ông Nguyễn Tiến Lãng (trái) và ông Nguyễn Công Uẩn phải tiếp tục chờ Bắc Ninh đến bao giờ để xét duyệt một văn bản đơn giản nhằm hoàn tất thủ tục khen thưởng? Ảnh: VIẾT LONG
Không lẽ lại tiếp tục bế tắc sao?
Trước sự trì hoãn trên, Bộ LĐ-TB&XH cho hay rất sốt ruột và các đơn vị phụ trách công tác liên quan ở bộ này đã lập tức trình bộ trưởng hai phương án. Một là cho Bắc Ninh thời hạn cuối để gửi văn bản lên Bộ là ngày 25-5. Hai là Bộ sẽ trực tiếp cử cán bộ về làm việc với tỉnh Bắc Ninh để xác minh, hiệp y.
Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng: Bộ chỉ yêu cầu tỉnh Bắc Ninh trả lời là ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn có chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hay không. Chỉ cần trả lời có hay không để Bộ khen thưởng chứ không cần tỉnh phải kiểm tra các hồ sơ, vì mọi thành tích đã được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Hiện ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn đã 80 tuổi, sức khỏe yếu kém, ốm đau bệnh tật thường xuyên. Họ cũng đã chờ suốt hai năm nay để được Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao.
Vì vậy việc khen thưởng cho hai lão nông không thể chậm trễ và kéo dài thêm một ngày nào nữa. Sự chậm trễ của Bắc Ninh trong xét duyệt một văn bản đơn giản như thế sẽ đặt thêm nhiều “dấu hỏi” trong việc khen thưởng cho người có công trong chống tiêu cực ở địa phương.
Trước tình hình này, chúng tôi cho rằng Bộ LĐ-TB&XH cần khẩn trương áp dụng các khả năng có thể nhất để trao thưởng cho hai ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn với những thành tích chống tiêu cực của hai ông.
“Các cụ Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Công Uẩn đã đấu tranh chống tham nhũng vì coi đó như là trách nhiệm của những công dân. Các cụ đã có thành tích xuất sắc trong công việc này. Khen thưởng các cụ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Đừng biến khen thưởng thành sự ban ơn ở đây!” - TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu trên Pháp Luật TP.HCM.
Trước đó, ngày 8-5, báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài về ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn (cùng 80 tuổi, ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Cụ thể, năm 2010 hai ông đã tố cáo việc nhiều người không đi bộ đội hoặc chỉ bị tai nạn xe máy, cụt một ngón tay cũng được công nhận là thương binh. Từ tố cáo của hai ông, ngày 21-4-2015, Bộ LĐ-TB&XH thông báo Công an tỉnh Bắc Ninh và Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã tiến hành khởi tố, điều tra các vụ án liên quan. Theo kết quả điều tra, số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp là 2.745 người, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỉ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm 20 tỉ đồng. Đặc biệt có 24 đối tượng bị xử lý hình sự. Sau đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiến hành xét tặng bằng khen của bộ trưởng cho hai ông vì có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đã hai lần có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến hiệp y về tình hình chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương của hai ông nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Ngày 26-4, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản hỏi ý kiến của Cục Chống tham nhũng về hai trường hợp trên. Cục Chống tham nhũng ngay sau đó đã có văn bản gửi cho bộ này khẳng định việc khen thưởng ông Lãng và ông Uẩn thuộc thẩm quyền của bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. |